Nga tập trận toàn quốc sau khi xác định "mối đe dọa"
Sau khi Tổng thống Putin thông qua bản cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia và xác định NATO là "mối đe dọa", Nga chuẩn bị tập trận trên toàn quốc.
Nga tập trận toàn quốc
Theo RIA Novosti ngày 26/1, toàn bộ các đơn vị tên lửa chiến lược trên toàn nước Nga đã được điều động để tham gia cuộc tập trận quy mô lớn trên toàn quốc.
Trong một báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các trung đoàn tên lửa trên sẽ tham gia các cuộc tập trận triển khai và tái triển khai lực lượng trên bộ, sử dụng các khí tài được ngụy trang và việc bảo vệ các bệ phóng tên lửa khỏi các thách thức tấn công tiềm năng.
Để tham gia cuộc tập trận này, những hệ thống tên lửa hạt nhân chiến lược mạnh nhất hiện nay của Nga được triển khai bao gồm hệ thống tên lửa Topol, Topol-M và RS-24 Yars. Ngoài ra, các đơn vị bảo vệ bệ phóng tên lửa cũng tham gia tập trận cùng các xe chống tấn công phá hoại Typhoon-M có trang thiết bị điều khiển các máy bay không người lái.
Chỉ tính từ đầu năm 2015, Nga đã liên tiếp tổ chức 3 cuộc tập trận trên toàn quốc với lực lượng tên lửa chiến lược. Theo TASS, hồi tháng 9/2015, Lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã tổ chức tập trận tại 20 khu vực trên khắp cả nước, từ khu vực Tver ở miền Trung tới vùng Irkutsk ở Siberia.
Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga xác nhận: "Các hệ thống tên lửa đạn đạo di động Topol, Topol-M và Yars đang được tập hợp lại, thay đổi các vị trí trên thực địa và phân bố trong những khu rừng gần đó."
Nga triển khai tên lửa RS-24 Yars trong một cuộc diễn tập.
Cuộc tập trận này nhằm mục đích nâng cao kỹ năng ngụy trang của các hệ thống tên lửa đạn đạo di động và thoát khỏi phạm vi theo dõi của đối phương với một cấp độ mới về chất lượng, đẩy lùi các cuộc tấn công trên bộ và trên không theo các kịch bản giả định.
Cũng trong năm 2015, Quân đội Nga cũng đã khai hỏa cuộc tập trận với tên lửa chiến lược tại tất cả 12 quân khu trên cả nước. Hãng RIA Novosti dẫn lời Đại tá Igor Egorov, phát ngôn viên của Lực lượng Tên lửa chiến lược Bộ Quốc phòng Nga cho biết, có hơn 30 trung đoàn của Binh chủng Tên lửa chiến lược Nga đã tham gia các hoạt động diễn tập quy mô lớn trên địa bàn của 12 khu vực.
Kịch bản của cuộc diễn tập gồm các nhóm phá hoại của kẻ thù giả định đã rải mìn trên các tuyến đường tuần tra chiến đấu và sử dụng chất độc trên chiến trường. Các lực lượng công binh; phòng hóa, sinh và phóng xạ; cùng với các đơn vị chống phá hoại đã tham gia diễn tập xử lý các tình huống trên, Đại tá Igor Yegorov cho biết.
Nói về mục đích của cuộc tập trận lần này, theo Đại tá Igor Yegorov nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh lính, các hoạt động cơ động trên các tuyến đường tuần tra, các hoạt động chống phá hoại và khủng bố, cũng như các cuộc tấn công chính xác cao.
Mối đe dọa với Nga
Việc Nga xác định NATO là "mối đe dọa" được Tổng thống Putin đưa ra trong bản cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia vào ngày cuối cùng của năm 2015. Theo BBC, phiên bản mới nói trên cho biết NATO gần đây tăng cường tiềm lực quân sự xung quanh biên giới Nga, vi phạm chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Ngay từ năm 2010, Nga đã thông báo sửa đổi học thuyết quân sự để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine và sự hiện diện của NATO ở Đông Âu. Cố vấn Điện Kremlin Mikhail Popov thời điểm đó cáo buộc các thành viên NATO đang tiến sát biên giới Nga và đặt ra một mối đe dọa từ bên ngoài.
Chiến lược An ninh Quốc gia được Tổng thống Putin ký và công khai hôm 31/12/2015 một lần nữa tái khẳng định mối lo ngại về "sự bành trướng của NATO". Ngoài ra, phiên bản mới còn cho biết Mỹ và các đồng minh phương Tây phản ứng các chính sách đối nội và đối ngoại của Nga nhằm "thống trị các vấn đề toàn cầu".
Được biết năm 2009, Albania và Croatia gia nhập NATO. Đến năm 2011, liên minh công nhận thêm 4 thành viên là Bosnia, Georgia, Macedonia và Montenegro. Moscow theo dõi các động thái này và "đã tăng cường sức mạnh quân sự trong bối cảnh các mối đe dọa mới ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", theo bản cập nhật.
Cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu vào năm 2014 khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây bị suy giảm rõ rệt. BBC nhận định thông qua sự can thiệp quân sự vào Syria và Ukraine, Tổng thống Putin đang muốn phô trương sức mạnh quân sự để Mỹ và thế giới công nhận Nga là một đối tác ngang hàng.
Ngoài ra, mục đích của Tổng thống Putin là làm suy yếu mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ với hy vọng một ngày biến Nga thành đối tác chiến lược chính của châu Âu.
Video Nga phóng tên lửa RS-24 Yars:
Theo Chúc Sơn
Đất Việt