1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga rút quân, hiện trạng Syria vẫn như "tấm chăn rách nát"

Sau gần nửa năm can thiệp quân sự, Nga vẫn chưa giúp Syria giải quyết dứt điểm tình hình nội chiến ở nước này, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ rất lớn.

Nguy cơ tái bùng phát nội chiến ở Syria

Rất khó hình dung là ngừng bắn tạm thời có thể mang lại hòa bình thực sự, vì sự thù hận giữa các bên tham chiến đã đến mức không thể hóa giải (mức độ tàn sát lẫn nhau trong các cuộc nội chiến bao giờ cũng tàn khốc hơn các cuộc chiến tranh giữa các nước với nhau).

Hiện nay, cuộc nội chiến ở Syria mới đang tạm thời bị đóng băng, đây là thực chất cũng chỉ là sự trì hoãn việc giải quyết dứt điểm vấn đề Syria. Ngừng bắn tạm thời rất khó trở thành tiến trình hòa bình thực sự, bởi phương Tây cũng sẽ không dừng lại khi chưa đạt được mục đích.

Sau khi Nga chấp nhận hòa đàm, buộc chính quyền Assad đàm phán với phe đối lập ở Geneva, đất nước Syria hiện vẫn ngổn ngang như “tấm lá rách”, với các nhóm phiến quân còn kiểm soát khắp đất nước, không khác gì mới triệt được phần ngọn của mầm họa, nhưng gốc rễ của nó vẫn còn.

Sau khi Nga tuyên bố rút quân, hiện trạng chiếm đóng của các phe nhóm đối lập vẫn được giữ nguyên, tất cả các cụm quân của những lực lượng đối lập chống chính phủ đang đồn trú xen kẽ nhau ở Tây Bắc, Tây Nam và khu vực Trung tâm và cả khu vực phía nam Syria.

Vấn đề Syria chỉ có thể giải quyết dứt điểm khi một bên bị đánh quỵ. Hòa đàm bao giờ cũng tạo lợi thế cho bên yếu thế, việc Moscow từ bỏ ưu thế quân sự, dừng lại nửa đường, đã tạo cơ hội cho các đối thủ có thời gian điều chỉnh chiến lược, xốc lại đội hình.

Cuộc đấu trí cân não giữa Nga với Mỹ ở Syria vẫn còn tiếp diễn
Cuộc đấu trí cân não giữa Nga với Mỹ ở Syria vẫn còn tiếp diễn

Đây là một thực trạng mà không ai mong muốn, nhất là chính quyền Assad vì giữ nguyên tình trạng các nhóm phiến quân “cát cứ” khắp đất nước là điều hết sức nguy hiểm, bởi ngừng bắn không có nghĩa là chúng đã giải giáp mà đang âm thầm củng cố lực lượng.

Tình trạng này là điều rất nguy hiểm, bởi kể cả sau này có hình thành hội đồng chuyển tiếp thì chỉ cần 1 hành động vô ý (chưa nói đến việc phe đối lập cố tình phá thỏa thuận ngừng bắn) là chiến sự có thể bùng phát bất cứ lúc nào, Syria lại quay trở về nguyên trạng trước khi Nga can thiệp quân sự.

Điều tệ hại nhất của một cuộc chiến tranh là sự nhùng nhằng, không dứt điểm được. Không hiểu sao Kremlin lại từ bỏ chiến thắng để đối lấy việc đóng băng cuộc chiến. Đóng băng cuộc chiến sẽ làm Moscow tốn kém hơn nhiều và lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng sợ cuộc chiến tái diễn.

Tất nhiên, có thể cố gắng tận dụng ngừng bắn để tập trung đánh quỵ các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và al-Nusra (chi nhánh al-Qaeda Syria). Tuy nhiên, nếu được như vậy thì kịch bản khả quan nhất cũng chỉ là trì hoãn việc giải quyết dứt điểm vấn đề nội chiến Syria.

Syria phải dựa vào người Kurd để đánh IS và al-Qaeda

Hiện quân đội Syria vẫn đang trên thế thắng nhưng tình hình không có gì là quá khả quan. Các thành phố cổ Palmyra và Qaryatain mới tái chiếm được, tuy có tiếng vang lớn nhưng đó chỉ mang ý nghĩa tinh thần là chính, chứ không phải là những điểm tập trung binh lực lớn của IS và al-Nusra.

Người Kurd trở thành nhân tố chống khủng bố chủ chốt” là có lợi hay hại đối với Syria?
Người Kurd trở thành "nhân tố chống khủng bố chủ chốt” là có lợi hay hại đối với Syria?

Quân đội Assad và các đồng minh hiện buộc phải bố trí một lực lượng khá lớn để trấn giữ phía Tây Syria nên họ không có khả năng mở các chiến dịch lớn để nhanh chóng đánh bại các tổ chức khủng bố này, mà chỉ đủ lực tấn công các thị trấn thành phố nhỏ lẻ.

Nếu quân chính phủ đánh khủng bố càng lâu thì càng có nhiều thời gian để phe đối lập củng cố lực lượng. Đến lúc đánh thắng khủng bố thì quân chính phủ sẽ kiệt quệ, yếu hơn phe đối lập nhiều. Do đó, quân đội Syria buộc phải hợp tác với người Kurd. Và đó chính là điều mà Mỹ cùng với các đồng minh mong muốn.

Rất có thể đã có một “thỏa thuận ngầm” giữa Nga và Mỹ là người Kurd sẽ trở thành lực lượng chủ chốt đánh chiếm Aleppo và al-Hasakah và có thể là Raqqa. Tuy quân chính phủ sẽ nhẹ gánh hơn nhưng nó cũng đã để lại những nguy cơ cực lớn sau này đối với Syria.

Từ lâu, cả Nga và Mỹ đều lợi dụng người Kurd để đạt được mục đích của mình. Washington hậu thuẫn cho người Kurd để chống lại chính quyền Syria, lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, sau đó sẽ dùng lực lượng này để tiêu diệt IS.

Để đạt được mục đích của mình, Washington “ra giá” với người Kurd bằng việc, sau khi lật đổ chính quyền Assad và đánh bại IS, họ sẽ được phép thành lập một khu tự trị chạy dọc toàn tuyến biên giới phía bắc của Syria, nối liền với khu tự trị Kurd ở Iraq.

Tuy sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, mục tiêu thứ nhất là lật đổ Assad chưa đạt được, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục cam kết hỗ trợ người Kurd thành lập một khu tự trị ở phía Bắc Syria, nhằm dùng người Kurd làm con bài mặc cả lãnh thổ với Syria.

Về phía Nga, Moscow khuyên chính quyền Assad nên hợp tác với người Kurd để chống IS. Tuy nhiên, mặc dù vẫn hợp tác với Syria để đánh IS và al-Nusra, nhưng người Kurd cũng chỉ nhằm phục vụ lợi ích của chính mình, còn thực sự chưa bao giờ họ coi chính quyền Damascus là đồng minh.

Hậu hoạ về sau đối với Syria

Đối với tất cả lực lượng đối lập Syria có sự hậu thuẫn của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, kẻ thù thực sự của họ là chính quyền Syria, mục tiêu duy nhất của họ là lật đổ Assad, nên đối với lực lượng này thì IS là đồng minh chứ không phải đối thủ.

Trong khi Nga và Syria hợp tác với Đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd ở Syria (YPG) để đánh IS thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với IS trên danh nghĩa là để cùng chống YPG. Tuy nhiên, điều này có thực sự đáng tin? Hay đó chỉ là cái bẫy buộc chính quyền Syria phải phụ thuộc vào người Kurd?

3 khu tự trị của người Kurd Syria, bao gồm Afrin Canton, Kobane Canton (tỉnh Aleppo) và Jazira Canton (tỉnh al-Hasakah), có vị trí nằm tách biệt nhau
3 khu tự trị của người Kurd Syria, bao gồm Afrin Canton, Kobane Canton (tỉnh Aleppo) và Jazira Canton (tỉnh al-Hasakah), có vị trí nằm tách biệt nhau

Về bản chất, cả Nga lẫn Mỹ đều hợp tác và trợ giúp người Kurd Syria nhưng Moscow chưa bao giờ điều khiển được người Kurd, mà “ông chủ” thực sự của YPG chính là Washington. Chỉ cần nhìn việc Mỹ xây dựng sân bay và điều quân đồn trú trong khu vực kiểm soát của người Kurd là đủ hiểu điều này.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd Syria đều là những công cụ để thực hiện các mục tiêu của Washington, do đó Mỹ sẽ không để 2 lực lượng này mâu thuẫn đến độ tiêu diệt lẫn nhau và chắc chắn là nếu không được Mỹ chấp thuận, Ankara không bao giờ dám tiêu diệt YPG.

Do đó, âm mưu tiêu diệt YPG của Thổ Nhĩ Kỳ là điều không đáng tin, mà kể cả việc đó có thật thì Mỹ cũng thừa sức để ngăn cản hoặc đưa ra các giải pháp trung hòa mâu thuẫn giữa các đồng minh. Từ đó, việc Syria bắt tay với YPG là điều hết sức nguy hiểm.

Tháng 3 vừa qua, người Kurd Syria tuyên bố về kế hoạch thành lập chính thể liên bang, trong đó, 3 khu tự trị của người Kurd Syria (Rojava) ở miền Bắc Syria, bao gồm Afrin Canton, Kobane Canton (tỉnh Aleppo) và Jazira Canton (tỉnh al-Hasakah), tuy vị trí nằm tách biệt nhau nhưng sẽ được hợp nhất về tổ chức hành chính và đặt tên là Liên bang miền Bắc Syria.

Nếu người Kurd đánh chiếm được các tỉnh Aleppo, al-Raqqa, al-Hasakah thì họ sẽ kiểm soát toàn bộ các tỉnh phía bắc Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và có thể thành lập khu tự trị rộng lớn hơn so với kế hoạch ban đầu, chạy dọc biên giới Syria, sang đến khu tự trị Kurd ở Iraq.

Người Kurd có thể lập quốc gia riêng rộng lớn, nằm dọc khu vực phía bắc của Syria và chạy sang Iraq
Người Kurd có thể lập quốc gia riêng rộng lớn, nằm dọc khu vực phía bắc của Syria và chạy sang Iraq

Trong đó, không thể loại trừ kịch bản xấu nhất là Mỹ hậu thuẫn người Kurd thành lập quốc gia riêng từ phần lãnh thổ phía bắc của Iraq và Syria. Đây là sự hiện thực hóa khát vọng lớn lao hàng trăm năm của họ, so với ao ước nhỏ bé ban đầu là thành lập khu tự trị ở 3 địa điểm nhỏ bé, rời rạc.

Khi đó, người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được phép sang sống chung dưới “mái nhà riêng” của người Kurd, nằm ở 2 quốc gia Iraq và Syria, không cần phải đấu tranh đòi quyền sống, Washington cũng làm đẹp lòng đồng minh bằng cách gỡ cho Ankara mối đe dọa về nguy cơ ly khai của PKK (Đảng công nhân người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ).

Khi đó, Syria mất đi phần khá lớn đất đai, trong khi các lực lượng đối lập vẫn đang hiện diện trên khắp mọi miền đất nước, mối họa bị lật đổ của chính quyền Assad vẫn còn nguyên vẹn. Và nếu Mỹ tiếp tục kích hoạt nội chiến thì tình hình Syria còn tồi tệ hơn trước đây.

Vậy chiến dịch quân sự của Nga kéo dài gần nửa năm đã giúp đất nước và nhân dân Syria những gì? Chưa được gì cả, ngoại trừ việc giữ vững cái ghế của ông Assad lâu hơn ít nhất 1 năm và giúp Nga mở thêm được 1 căn cứ quân sự ở nước này.

Còn hiện nay, tình trạng của Syria vẫn giống như một “tấm chăn rách”, có thể bị xé nát bất cứ lúc nào.

Theo Thiên Nam

Đất Việt