1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga phê chuẩn chiến lược an ninh quốc gia năm 2016

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về chiến lược an ninh quốc gia 9 điểm cho năm 2016, nhấn mạnh “các cuộc cách mạng màu” và các vũ khí sinh học là những thách thức chủ yếu hiện nay đối với nước Nga, báo chí Nga ngày 31/12 đưa tin.

 


Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về chiến lược an ninh quốc gia 9 điểm cho năm 2016 (Ảnh: RT)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về chiến lược an ninh quốc gia 9 điểm cho năm 2016 (Ảnh: RT)

1) “Các mạng màu” và tham nhũng

Trong số các thách thức đối đe dọa an ninh quốc gia Nga nổi lên là “cách mạng màu”, sự kích động, xâm hại các giá trị truyền thống và tham nhũng. Những lực lượng nào đứng đằng sau các hoạt động này? Bản chiến lược an ninh quốc gia Nga nhấn mạnh: “Đó là các nhóm khủng bố trong xã hội, những kẻ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc và các hệ tư tưởng cực đoan tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và cả những cá nhân đe dọa đến sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và gây bất ổn về chính trị”.

2) Mỹ đã phức tạp hóa về các thách thức vũ khí sinh học

Ngày càng có nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và làm gia tăng các thách thức. Tuy nhiên, thách thức từ việc các quốc gia sở hữu và sử dụng các vũ khí hóa học cũng như vũ khí sinh học cũng gia tăng. “Mỹ đang mở rộng hệ thống các phòng thí nghiệm quân y sinh tại các vùng lãnh thổ các quốc gia có chung biên giới với Nga. Chính sách đối nội và đối ngoại độc lập của Nga đang gặp phải các thách thức từ Mỹ và lực lượng đồng minh nhằm thống trị thế giới”, bản chiến lược an ninh nêu rõ.

3) NATO tiếp tục mở rộng về phía đông

Việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang mở rộng địa bàn tiến về biên giới Nga là thách thức đối với an ninh quốc gia Nga. Các quá trình quân sự hóa và tăng cường lực lượng vũ trang đang diễn ra tại nhiều khu vực tiếp giáp với Nga. “Các nguyên tắc bình đẳng và an ninh không chia cắt đã không được tôn trọng tại các khu vực như châu Âu-Đại Tây Dương, vùng Á-Âu và châu Á-Thái Bình Dương”, bản chiến lược viết.

Tuy nhiên, Nga vẫn quan tâm tới đối thoại bình đẳng và duy trì quan hệ tốt đẹp với NATO, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo nguyên tắc đối tác, điều quan trọng là đẩy mạnh các cơ chế theo các hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí, các biện pháp xây dựng lòng tin, các vấn đề không phổ biến các vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường hợp tác chống khủng bố và giải quyết các cuộc xung đột.

4) Tình hình Ukraine

Mỹ và EU hậu thuẫn cho đảo chính tại Ukraine dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội Ukraine và châm ngòi cho cuộc xung đột vũ trang. Sự thắng thế của tư tưởng chủ nghĩa yêu nước cánh hữu và việc cố ý tạo ra một hình ảnh một nước Nga như “lực lượng kẻ thù” tại Ukraine đã khiến tình hình bất ổn về lâu dài tại châu Âu và nhằm thẳng vào nước Nga, theo chiến lược an ninh Nga.

5) Nói không với vũ khí hạt nhân

Nga có thể sẽ sẵn sàng thảo luận việc cắt giảm tiềm năng hạt nhân nhưng phải dựa trên các hiệp định tương hỗ và các đàm phán đa phương. Việc cắt giảm tiềm năng vũ khí hạt nhân Nga chỉ được thực thi nếu Moscow có thể đóng góp vào việc tạo ra các điều kiện thích hợp cho phép việc cắt giảm vũ khí hạt nhân mà không ảnh hưởng tới an ninh và ổn định tình hình quốc tế, theo chiến lược trên.

Trong khi đó, Nga có kế hoạch ngăn ngừa bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào bằng việc duy trì các khả năng hạt nhân như loại vũ khí răn đe. Tuy nhiên, Nga sẽ phải sử dụng giải pháp quân sự chỉ khi các giải pháp phi quân sự khác không phát huy hiệu quả.

6) Cuộc chiến thông tin

Các lực lượng tình báo mật vụ đang tăng cường hoạt động trong cuộc chiến gây ảnh hưởng quốc tế. Một loạt các công cụ thông tin, kinh tế, tài chính, và chính trị đã được huy động cho cuộc tranh giành sự ảnh hưởng trên trường quốc tế, theo văn kiện trên.

7) Trường hợp sử dụng lực lượng quân đội

Chiến lược này cho phép việc triển khai lực lượng quân đội chỉ trong trường hợp khi các biện pháp khác nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia không phát huy tác dụng.

8) Vấn đề tiền tệ

Sự ổn định của nền kinh tế Nga đang bị đe dọa bởi tính cạnh tranh thấp và phụ thuộc vào nguồn tài nguyên. Kinh tế Nga đang gặp các thách thức như sự lạc hậu về phát triển công nghệ tiên tiến, khả năng dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính, sự phân bổ không đồng đều về ngân sách, sự kiệt quệ về nguồn tài nguyên thiên nhiên, sức mạnh của kinh tế ngầm và các điều kiện hậu thuẫn cho tham nhũng và các hoạt động tội phạm và vấn đề phát triển không đồng đều giữa các vùng.

Các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, các cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực và toàn cầu cũng như việc sử dụng sai luật pháp là những vấn đề có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Nga và trong tương lai điều này sẽ dẫn đến chảy máu nguồn tài nguyên khoáng sản, nước và các nguồn sinh vật.

9) Kinh tế Nga

Để đảm bảo an ninh kinh tế, Nga sẽ cần phải cân bằng ngân sách, ngăn chặn dòng vốn chảy ra bên ngoài và chống lạm phát. “Để ngăn chặn các thảm họa đối với an ninh kinh tế, chính phủ Nga sẽ tiến hành các chính sách kinh tế-xã hội liên quan đến tăng cường sức mạnh hệ thống tài chính, đảm bảo sử ổn định của tiền tệ”, chiến lược viết. Nga đồng thời sẽ phát triển quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, châu Mỹ La-tinh và châu Phi.

Vũ Duy

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm