Nga phản đối đề xuất thành lập quân đội chung của EU
Cho rằng lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa đủ mạnh để ngăn chặn những mối đe dọa bên ngoài lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) cũng như bảo vệ các "giá trị" của khối, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã kêu gọi thành lập lực lượng quân đội riêng của EU.
Đề xuất này của Chủ tịch EC Juncker đã được các chính trị gia Đức ngầm ủng hộ. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen từng bày tỏ tin tưởng rằng, tương lai châu Âu sẽ là một hợp chủng quốc và sẽ có quân đội riêng. Người đứng đầu Ủy ban Chính sách đối ngoại của Quốc hội Đức cũng từng đưa ra tuyên bố ủng hộ vấn đề này.
Tuy nhiên, ý tưởng thành lập quân đội riêng của Chủ tịch EC Juncker dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối của các nước không ủng hộ tăng cường khối thống nhất EU, đặc biệt là Anh. Lodon cho rằng, đây là một ý tưởng “không có triển vọng” và nước Anh chưa có ý định tham gia vào liên minh quân sự này. Nhiều thành viên của đảng đối lập tại Anh còn cho rằng, việc tạo ra một lực lượng quân đội chung của EU sẽ là một “bi kịch” đối với khu vực cũng như đe dọa đến chủ quyền của mỗi một thành viên của khối này.
Những quan điểm trái ngược nhau về ý tưởng mà Chủ tịch EC đưa ra lại một lần nữa cho thấy những mâu thuẫn nội tại vẫn đang lớn dần lên trong khối này. Trước đó, tại cuộc họp của ngoại trưởng EU diễn ra cuối tuần trước ở Latvia, EU đã cho thế giới thấy sự chia rẽ sâu sắc trong việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến vấn đề Ucraina. Nếu ý tưởng lực lượng quân đội chung EU được triển khai, nhiều thành viên của liên minh này e ngại “hố ngăn cách” trong quan hệ Nga-EU chắc chắn sẽ được khoét sâu hơn, làm tổn hại đến nhiều nền kinh tế khu vực vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.