1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga "ngư ông đắc lợi" khi Mỹ rút quân khỏi Bắc Syria?

(Dân trí) - Khi lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới Syria còn binh sĩ Mỹ rút đi sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, bên được hưởng lợi có thể là Nga.

Nga ngư ông đắc lợi khi Mỹ rút quân khỏi Bắc Syria? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip (Ảnh: Reuters)

Nga cho đến nay vẫn là cường quốc nước ngoài mạnh nhất hoạt động tại Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng duy trì mối quan hệ đồng minh thân thiết với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đặt sức mạnh của quân đội Nga đứng sau quân đội Syria.

Theo nhận định của nhà phân tích Frederik Pleitgen của CNN, ở thời điểm hiện tại, một chiến dịch được lên kế hoạch từ trước của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm “xóa sổ” lực lượng người Kurd ở khu vực biên giới phía đông bắc Syria có thể trao cho Tổng thống Putin cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của Nga trước sự lo ngại của phe “diều hâu” ở Mỹ.

Hiện diện của Nga ở Syria

Căn cứ quân sự chính của Nga ở Syria là sân bay ở Hmeimin bên bờ Địa Trung Hải, gần thành phố Latakia. Hmeimin không chỉ đơn thuần là một căn cứ không quân, đây còn là nơi đồn trú của phần lớn các sĩ quan quân đội cấp cao của Nga, những người chịu trách nhiệm điều hành chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.

Căn cứ Hmeimin cũng là nơi quân đội Nga đặt trung tâm giảm thiểu xung đột - đơn vị có nhiệm vụ liên lạc với liên quân do Mỹ dẫn đầu để giúp máy bay chiến đấu hai nước tránh va chạm nhau trong quá trình hoạt động.

Xa hơn xuống khu vực phía nam, cảng Tartus của Syria đóng vai trò là căn cứ hải quân chính của Nga. Đây cũng là căn cứ hải quân duy nhất của Moscow ở Địa Trung Hải. Các tàu ngầm và tàu chiến được trang bị tên lửa hành trình của Nga thường tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm phiến quân chống chính quyền Assad khi cuộc xung đột tại Syria vẫn đang diễn ra căng thẳng.

Trong giai đoạn cao trào của cuộc chiến ở Syria, Nga duy trì đáng kể lực lượng bộ binh tại Syria. Tuy nhiên khi các chiến dịch quân sự hạ nhiệt, Nga được cho là đã rút bớt quân khỏi Syria.

Ngoài hiện diện quân sự, Nga cũng triển khai các hoạt động kinh tế tại Syria. Các công ty dầu khí của Nga đã giành được các hợp đồng khai thác ở khu vực phía đông Syria.

Quan điểm của Nga khi Mỹ rút quân

Nga muốn Mỹ rời khỏi Syria. Moscow từng nhiều lần tuyên bố rằng, sự hiện diện của Mỹ tại Syria là phi pháp.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 9/10 cho biết ông vẫn không tin Tổng thống Trump sẽ thực hiện đúng tuyên bố rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực bắc Syria.

“Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ông ấy sẽ rút quân khỏi Syria và cả những nước khác. Nhưng những người thực hiện trên thực tế lại không làm như vậy. Tôi không loại trừ khả năng chúng ta đang chứng kiến một tình huống tương tự”, ông Lavrov nói.

Nga ủng hộ chính quyền Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một trong những nhóm phiến quân chính tại Syria. Mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ hai nhóm đối lập trong cuộc nội chiến tại Syria, nhưng Nga chắc chắn sẽ hoan nghênh việc Mỹ rút hoàn toàn khỏi Syria, vì điều đó sẽ trao cho Nga lợi thế nhiều hơn, không chỉ trong việc định hình tương lai của Syria, mà còn toàn bộ khu vực Trung Đông.

Nga ủng hộ chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ?

Nga ngư ông đắc lợi khi Mỹ rút quân khỏi Bắc Syria? - 2

Căn cứ quân sự chính của Nga ở Hmeimin, Syria (Ảnh: RT)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 9/10 thông báo Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, cùng Quân đội Quốc gia Syria, bắt đầu Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình nhằm chống lại lực lượng người Kurd và các phần tử khủng bố IS ở phía bắc Syria. Các máy bay và đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công vào các vị trí tại Syria ngay sau thông báo của ông Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn đẩy lùi các tay súng người Kurd ra khỏi dải đất rộng lớn ở gần biên giới Syria. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở thành một đồng minh quan trọng của Nga, không chỉ tại Syria mà còn trên vũ đài chính trị thế giới, song Moscow có lẽ không ủng hộ chiến dịch quân sự của Ankara tại Syria.

Lý do rất đơn giản: Là một đồng minh của chính quyền Assad, mục tiêu của Nga là giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ của Syria khỏi tay các phiến quân và lực lượng thân Mỹ. Trong khi đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lực lượng quân sự qua biên giới Syria có thể coi là hành vi xâm phạm chủ quyền.

Chính quyền Syria ngày 9/10 chỉ trích tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ về việc đưa quân vào lãnh thổ Syria.

“Hành vi hiếu chiến của chính quyền Erdogan thể hiện rõ tham vọng bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ trong lãnh thổ của Syria và không thể biện minh dưới bất kỳ lý do nào”, thông báo của Bộ Ngoại giao Syria nêu rõ.

Tuy vậy, Nga vẫn muốn chia sẻ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và đề xuất đàm phán với tất cả các bên để tìm giải pháp.

“Chúng tôi đã liên hệ với đại diện của phía người Kurrd và đại diện của chính phủ, chúng tôi khuyến khích họ khởi động đối thoại để giải quyết vấn đề tại khu vực này của Syria, bao gồm các vấn đề bảo đảm an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết.

Nga có thể can thiệp?

Nga không thể ngăn Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào khu vực phía bắc Syria và xóa sổ lực lượng người Kurd, nhưng Moscow có thể giảm thương vong bằng cách hòa giải.

Tổng thống Putin ngày 9/10 đã trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdogan dường như xác nhận rằng, sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên sang Syria. Tổng thống Erdogan cũng nói với ông Putin rằng, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định tại Syria, đồng thời mở đường cho tiến trình chính trị tại Syria.

Tuy vậy, ông Putin vẫn có thể ngăn không để đổ máu quá nhiều. Lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn không chống đối chính phủ Syria và cũng không chống đối Nga.

Trên thực tế, các tay súng người Kurd từng sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố IS cũng chiến đấu cùng phe với Nga và chính quyền Syria. Trong trận chiến ở Aleppo, họ chiến đấu chống lại các phiến quân phản đối chính quyền Assad.

Nga và chính quyền Syria vẫn luôn duy trì liên lạc với lực lượng người Kurd, với hy vọng có thể khiến họ đi theo sự quản lý của chính quyền Syria. Quân đội Syria cũng duy trì hiện diện ở các khu vực có người Kurd chiếm giữ.

Bây giờ, thời cơ của Nga đã đến. Moscow có thể gây ảnh hưởng với cả chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và người Kurd. Tuyên bố của nhóm người Kurd hôm qua cho biết, họ hoan nghênh phát ngôn của Ngoại trưởng Nga và hy vọng rằng, Nga sẽ đóng vai trò trong việc giảm tình hình căng thẳng hiện nay.

Tuy vậy, sự hiện diện của Nga có thể khiến Mỹ lo ngại. Những người chỉ trích quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump cho rằng, việc Nga mở rộng tầm ảnh hưởng là một mối lo ngại.

“Việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ chỉ có lợi cho Nga, Iran và chính quyền Assad”, Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp