Nga nghi phương Tây hậu thuẫn nhóm phiến quân nổi loạn ở Syria
(Dân trí) - Nga nghi ngờ về vai trò của phương Tây trong việc hỗ trợ HTS, nhóm phiến quân đang tấn công lực lượng chính phủ Syria ở miền bắc quốc gia Trung Đông.
Nga có thông tin rằng Mỹ và Anh có thể liên quan tới việc hỗ trợ nhóm HTS đang tấn công lực lượng chính phủ Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết.
HTS đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ từ Idlib vào tuần trước và kể từ đó đã giành được quyền kiểm soát Aleppo và Hama từ tay quân đội Syria.
Nhà báo Mỹ Tucker Carlson đã hỏi ông Lavrov rằng bên nào đang hỗ trợ cho HTS ở Syria. Ông Lavrov đã đề cập tới Mỹ và Anh, cho rằng Nga có những thông tin liên quan tới 2 nước này.
"Đó là một trò chơi phức tạp. Có nhiều bên tham gia", nhà ngoại giao Nga nói thêm, nhưng chưa đưa ra bằng chứng cụ thể.
Ông Lavrov cho biết Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Syria vào năm 2017 và một lần nữa vào năm 2020, gọi Mô hình Astana này là "sự kết hợp hữu ích của các bên tham gia" nhằm giúp người Syria có thể thỏa thuận với nhau và ngăn chặn nguy cơ ly khai.
Ông cho biết Nga muốn thảo luận với tất cả các đối tác trong tiến trình này về cách cắt đứt các kênh tài trợ và cung cấp vũ khí cho HTS.
Ông Lavrov đã trao đổi với người đồng cấp từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran và dự kiến sẽ gặp họ ở Qatar trong tuần này. Nga sẽ thúc đẩy "thực hiện nghiêm ngặt" thỏa thuận liên quan đến Idlib vì tỉnh này của Syria là nơi HTS triển khai cuộc tấn công.
"Các thỏa thuận đạt được vào năm 2019 và 2020 đã tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát tình hình tại khu vực giảm leo thang Idlib và tách HTS khỏi phe đối lập hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và không phải là khủng bố", ông Lavrov cho biết.
Trong khi đó, nhóm vũ trang Hezbollah của người Li Băng tuyên bố sẽ giúp chính phủ Syria chống lại HTS và kêu gọi các nước Ả-rập ủng hộ Damascus trong cuộc chiến này.
Quyền thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem cáo buộc Mỹ và Israel hỗ trợ HTS trong cuộc tấn công, nhưng không nêu bằng chứng cho tuyên bố này.
Syria đã rơi vào cuộc nội chiến từ năm 2011 tới nay, khi nhiều nhóm đối lập tìm cách lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar Assad.
Với sự giúp sức của các đồng minh, lực lượng quân đội Syria của chính quyền ông Assad đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết đất nước, trừ một số nơi, bao gồm cả tỉnh Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, tại Washington, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC) cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Người phát ngôn của NSC Sean Savett nhận định việc Syria từ chối tham gia vào một tiến trình chính trị và sự phụ thuộc của nước này vào Nga và Iran đã "tạo ra các điều kiện đang diễn ra hiện nay".
Quan chức Savett cho hay Mỹ không liên quan gì đến cuộc tấn công do "một tổ chức khủng bố được chỉ định" cầm đầu và "kêu gọi giảm leo thang và hướng tới một tiến trình chính trị nghiêm túc và đáng tin cậy" theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2015.
Hayat Tahrir al-Sham, hay HTS, trước đây được gọi là Mặt trận Nusra, bị Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác coi là một nhóm khủng bố.