Nga nghi ngờ Mỹ sắp triển khai tên lửa tầm xa tới Đông Âu
(Dân trí) - Một quan chức cấp cao Nga quan ngại rằng Mỹ có thể đang chuẩn bị để triển khai các tên lửa tầm xa tới Đông Âu, cụ thể là Romania, mà không chờ đợi các thủ tục pháp lý liên quan tới hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hoàn tất.
Theo Tass, người đứng đầu tổng cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga Andrei Sterlin đã đưa ra nhận định trên trong bài phát biểu tại Duma Quốc gia (Hạ viện) ngày 11/7.
“Có khả năng là Lầu Năm Góc quyết định sẽ tăng cường hoạt động chuẩn bị cơ sở (vũ khí) mà không chờ đợi các thủ tục pháp lý liên quan tới INF hoàn tất”, ông Sterlin nói, cáo buộc Mỹ đã khước từ sáng kiến của Nga trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới hiệp ước. Quan chức này lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ triển khai tên lửa tầm xa tới Romania và điều này có thể đe dọa tới an ninh quốc gia của Nga.
Theo ông Sterlin, Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa. “Mỹ trong nhiều thập kỷ qua đã cố gắng thuyết phục chúng ta rằng kế hoạch tên lửa phòng thủ nhằm chống lại những mối đe dọa tên lửa giới hạn từ Triều Tiên và Iran và không gây ảnh hưởng tới khả năng răn đe của Nga. Hiện Washington không phủ nhận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của họ đang chống lại Nga”, quan chức Nga nhấn mạnh.
Ông Sterlin cho biết Mỹ đã đặt hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại Aegis Ashore ở Romania và sẽ đặt thêm một hệ thống khác ở Ba Lan. Đây là điều mà Nga lo ngại vì họ cho rằng bệ phóng tên lửa Mk-41 mà Mỹ mang tới Đông Âu không chỉ có thể phóng được tên lửa đánh chặn thông thường, mà có thể khai hỏa tên lửa Tomahawk, vũ khí có thể gây nguy hiểm cho Moscow nhất là Romania có vị trí địa lý khá gần với Nga.
INF là hiệp ước được Liên Xô và Mỹ ký hồi năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Hiệp ước này được ký kết vào thời điểm đó nhằm làm xuống thang căng thẳng ở châu Âu, nơi 2 bên cùng triển khai nhiều tên lửa, động thái có thể làm nảy sinh rủi ro chiến tranh hạt nhân.
Hồi tháng 2, Mỹ đã công khai đơn phương rút khỏi INF với cáo buộc rằng Nga đã phát triển và thử nghiệm tên lửa 9M729 vi phạm hiệp ước vì có tầm bay vượt trên 5.000 km. Nga bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời “tố” Mỹ vi phạm INF vì triển khai Mk-41 tới Ba Lan và Romania.
Ngày 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thành luật, quyết định việc Nga dừng tuân thủ nghĩa vụ có trong INF.
Đức Hoàng
Theo Tass