Nga cảnh báo dùng phương án quân sự với NATO nếu an ninh bị đe dọa
(Dân trí) - Nga cảnh báo có thể sẽ phải dùng tới biện pháp quân sự để đáp trả nếu an ninh của nước này bị ảnh hưởng.
Trả lời báo chí ngày 26/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Moscow sẵn sàng cho bất cứ bước đi nào mà NATO định thực hiện liên quan tới việc Nga ngừng tuân thủ hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF. Nhà ngoại giao này cũng cảnh báo, bên cạnh biện pháp đối thoại, Nga sẵn sàng đáp trả bằng biện pháp quân sự nếu an ninh nước này bị đe dọa.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu các quyết định mà các nước thành viên NATO đưa ra trong những tháng tới đây. Chúng tôi sẵn sàng với mọi phương án. Mỹ và các đồng minh NATO chắc chắn là bên có lỗi nếu có những bất ổn về quân sự và tình hình chính trị ở châu Âu, trong bối cảnh họ đang theo đuổi chính sách về việc phá hủy INF”, ông Ryabkov nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng Moscow sẽ có phản ứng nếu NATO gây hấn và sẽ có các biện pháp đối thoại chọn lọc với khối.
“Khi các mối đe dọa được cụ thể hóa thành các bước đi thực tế, chúng tôi sẽ buộc phải có biện pháp quân sự”, nhà ngoại giao Nga cảnh báo.
Phát biểu của Thứ trưởng Nga diễn ra trong bối cảnh Thượng viện Nga vào cùng ngày đã thông qua dự luật dừng tuân thủ INF. Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko nhấn mạnh rằng Nga buộc phải làm như vậy nhằm đáp trả lại bước đi tương tự từ Mỹ trước đó.
Dự luật này sau đó sẽ được đưa lên Tổng thống Nga Vladimir Putin và có thể sẽ được ký thành luật.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 25/6 từng cảnh báo sẽ đáp trả nếu Nga không tiếp tục tuân thủ INF bằng việc phá hủy tên lửa 9M729 trước hạn chót tháng 8, tên lửa mà Washington cáo buộc là “vi phạm trực tiếp và liên tục” INF.
Mỹ từ tháng 2 đã chính thức dừng nghĩa vụ tuân thủ INF và cho Nga 6 tháng để tiêu hủy 9M729. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ cáo buộc trên và “tố” ngược Mỹ vi phạm INF.
Nga cáo buộc Mỹ triển khai phạm pháp các máy bay chiến đấu không người lái (Nga coi đây là tên lửa hành trình mặt đất vì nó có thể di chuyển trên 1.200 km). Mỹ nói rằng các UAV có vũ trang không phải là tên lửa vì chúng có thể tái sử dụng nhiều lần.
Nga cũng cáo buộc Mỹ đặt hệ thống phòng không Aegis Ashore tại Ba Lan và Romania là vi phạm INF vì bệ phóng Mk-41 có thể phóng đi tên lửa hành trình Tomahawk, vũ khí có thể gây nguy hiểm cho Nga.
Nga nghi ngờ Mỹ phát triển tên lửa tầm trung dưới vỏ bọc của các tên lửa mục tiêu cho lá chắn phòng thủ nước này tập trận. Mỹ tuyên bố họ chỉ phóng các tên lửa trên vì mục tiêu nghiên cứu, không vi phạm INF.
INF là hiệp ước được ký kết từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ năm 1987 nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km.
Đức Hoàng
Theo Sputnik