Nga – Mỹ nỗ lực khai thông bế tắc
Còn quá sớm để nói về một bước ngoặt trong quan hệ giữa Nga và phương Tây sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ tại New York trong tuần tới. Tuy nhiên, cuộc gặp sẽ cho thấy nỗ lực xích lại gần nhau của hai bên và có thể là tiền đề tạo điều kiện khai thông bế tắc trong quan hệ Nga - Mỹ.
Cả đại diện Nhà Trắng và phát ngôn viên của Tổng thống Nga đều đã chính thức xác nhận cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra tại kỳ họp thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.
Chủ đề chính là Syria và Ukraine
Thông tin về cuộc gặp Putin - Obama xuất hiện trên báo The New York Times đã chính thức được Nhà Trắng xác nhận vào hôm 23/9. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho rằng, “mặc dù còn nhiều bất đồng sâu sắc nhưng trong bối cảnh tình hình Ukraine và Syria hiện nay, sẽ là vô trách nhiệm nếu không cố gắng để đạt được những cải thiện tình hình, thông qua hợp tác với Nga ở mức cao nhất”. Vẫn theo đại diện của Nhà Trắng, cuộc gặp này diễn ra theo sáng kiến của Tổng thống Vladimir Putin.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cũng chính thức xác nhận về cuộc gặp này. Theo ông Dmitry Peskov, Nga đã đạt được thoả thuận về việc Tổng thống Vladimir Putin sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và sau đó hội đàm với Tổng thống Mỹ vào ngày 28/9 tới. Cùng ngày, theo lịch trình, Tổng thống Nga Putin sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã không gặp mặt nhau trong gần một năm qua, kể từ sau lần trao đổi nhanh ở Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, tháng 11/2014. Tuy nhiên, rất khó gọi cuộc tiếp xúc thoáng qua đó là cuộc gặp theo đúng nghĩa. Dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng được tổ chức tại Moscow vào tháng Năm vừa qua, ông Obama cũng đã không tới dự.
Ngoài Ukraine, tâm điểm của mối bất hòa trong quan hệ Nga - Mỹ trong những năm gần đây chính là Syria. Trong khi Tổng thống Obama tuyên bố Tổng thống Bashar al-Assad mất tính hợp pháp, Moscow tiếp tục ủng hộ chính phủ tại Damascus. Vụ cựu nhân viên của tình báo Mỹ - Edward Snowden, sau khi công bố các tài liệu mật đã đến Moscow càng làm cho quan hệ hai nước xấu đi. Chính sau vụ Edward Snowden, Tổng thống Barack Obama đã huỷ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin trong năm 2013 và sau đó, nhân vụ Crimea, người đứng đầu Nhà Trắng cáo buộc các đồng nghiệp Nga “đang cưỡng lại lịch sử” và sẽ phải trả giá cho điều này.
Cuộc gặp mở ra nhiều giải pháp
Trên thực tế, trong những năm gần đây, hai nhà lãnh đạo chỉ giới hạn trao đổi qua điện thoại mà không có cuộc gặp trực tiếp nào, kể cả ở Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Australia. Không chỉ có vậy, Tổng thống Barack Obama còn gây áp lực mạnh mẽ với các đồng minh châu Âu và châu Á, thúc giục họ phải hưởng ứng các chính sách trừng phạt và giảm thiểu tối đa các cuộc tiếp xúc có thể với Tổng thống Nga.
Tuy nhiên, rõ ràng, tình hình có thể thay đổi. Bằng chứng là ngay sau khi thông tin Tổng thống Barack Obama gặp gỡ với Tổng thống Vladimir Putin được xác nhận, lãnh đạo các cường quốc châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhen nhóm cuộc gặp tương tự với ông Putin tại New York. Hôm 23/9, nguồn tin từ Chính phủ Đức khẳng định, Berlin đang xem xét khả năng thu xếp một cuộc gặp như vậy nhưng không sắp xếp được lịch do chương trình dày đặc của hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, bà Merkel sẽ nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin vào tuần tiếp theo, ngày 2/10, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm "Norman +" ở Paris.
Vào đêm trước chuyến đi của ông Vladimir Putin đến Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Đức cũng đã có một số tuyên bố có lợi cho những lập luận của phía Nga trong cuộc thương lượng với Mỹ. Bà Angela Merkel cho rằng, trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Syria, điều cần thiết là phải đối thoại với nhiều bên, trong đó có cả Damascus. Một số phương tiện truyền thông đã nhanh chóng cho rằng, tuyên bố này cũng giống như việc sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khiến Berlin phải giải thích: Quan điểm của Đức chỉ là sự cần thiết phải đưa đại diện của Tổng thống Syria vào trong quá trình đàm phán.
Một tuyên bố đáng chú ý khác của Thủ tướng Merkel, được đưa ra cuối hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels về cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu cũng có đề cập đến Nga. Theo bà Merkel, cuộc khủng hoảng chỉ có thể được khắc phục thông qua các nỗ lực chung của EU, Mỹ, Nga và các nước Trung Đông. Đây được coi như lời mời chính thức đầu tiên tới Moscow, muốn Moscow cùng tham gia giải quyết các vấn đề gần đây đang khiến cả khối EU phải đau đầu.
Khi được đề nghị bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ sắp tới, các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan một cách thận trọng.
"Nói về tương lai của việc bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ là quá sớm. Một số thỏa thuận đơn lẻ không thể thay đổi hướng phát triển chủ đạo. Ví như sự chung tay giải quyết vấn đề vũ khí hoá học của Syria đã không làm thay đổi cục diện xấu tại đây. Mặc dù vậy, cuộc gặp sắp tới là thông tin đáng khích lệ”, theo Giám đốc Hội đồng tư vấn đối ngoại Nga Andrei Kortunov. “Cuộc gặp sẽ không vô ích, nó giúp các bên xích lại gần nhau hơn về giải pháp” – ông nói.
Vẫn theo ông Kortunov, khi thảo luận về tình hình Syria, hai bên có thể sẽ xem xét "một gói giải pháp toàn diện về các vấn đề có liên quan đến nhau", bao gồm cả việc chuyển giao quyền lực và điều phối các nỗ lực của phương Tây, Nga, Iran và các nước có liên quan trong nỗ lực để chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
"Tuy nhiên, kết quả tích cực nhất của cuộc gặp này là nó gửi một tín hiệu rõ ràng cho tất cả - châu Âu, Mỹ, và cả Nga rằng, Nga và Mỹ tiếp tục đối thoại ở cấp cao nhất. Cuộc gặp này sẽ giúp làm giảm cường độ của những chỉ trích và những phát ngôn tiêu cực và bắt đầu tiến trình xây dựng lại cấu trúc của các mối tiếp xúc Nga - Mỹ. Đây rõ ràng là một kết quả tuyệt vời”, ông Andrei Kortunov kết luận.
Theo Đồng Tâm (theo Kommersant)