1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - Mỹ bất đồng trong nhiều vấn đề toàn cầu

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2-11 bày tỏ hi vọng rằng, thông qua nỗ lực chung, Nga và Mỹ sẽ đưa được mối quan hệ song phương đi vào quỹ đạo tích cực.

Sự tích cực này ảnh hưởng đến toàn bộ mối quan hệ quốc tế, vì Moskva và Washington có trách nhiệm đặc biệt duy trì sự ổn định và an ninh toàn cầu.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga chỉ ra rằng, các vấn đề trong quan hệ Nga - Mỹ đã tích tụ từ lâu, trước cả khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, khi hai bên thảo luận các vấn đề quốc tế nào đó và khi Washington nhận thấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang khôi phục tính tự chủ trong chính sách đối ngoại của Moskva.

Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại lời Tổng thống Putin rằng, Mỹ là một cường quốc, song không có nghĩa tất cả các quốc gia còn lại phải hành xử theo quy tắc do Washington đặt ra.

Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trong thời gian gần đây ngày càng trầm trọng hơn, nguy hiểm hơn so với cuộc đối đầu giữa hai cường quốc trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh.
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trong thời gian gần đây ngày càng trầm trọng hơn, nguy hiểm hơn so với cuộc đối đầu giữa hai cường quốc trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh.

Ông nhấn mạnh các đối tác Mỹ cần nhận thức được rằng không ai trên thế giới có thể làm được điều gì nếu hành động đơn lẻ, Nga và Mỹ dù thế nào đều cần phải đạt được sự đồng thuận và việc này diễn ra càng sớm càng tốt. Tất nhiên, Nga sẽ sẵn sàng tiến hành đối thoại với bất cứ tổng thống nào mà người dân Mỹ lựa chọn trong bối cảnh trật tự thế giới đa cực đang được hình thành.

Liên quan tới tình hình Syria, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga và Mỹ vẫn đang duy trì kênh tiếp xúc về vấn đề này, bao gồm cả tình hình ở phía Đông thành phố Aleppo và Nga hy vọng hai bên sẽ đạt được kết quả nào đó.

Hôm 2-11 vừa qua, Tổng thống Putin đã yêu cầu thực thi lệnh ngừng bắn kéo dài 10 giờ, bắt đầu từ 9h ngày 4-11 (theo giờ địa phương) tại thành phố Aleppo. Tổng tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết quyết định trên được phía Chính phủ Syria ủng hộ, nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, hạn chế những thương vong cho dân thường.

Sẽ có khoảng 8 hành lang nhân đạo - trong đó có 6 hành lang phục vụ dân thường - hoạt động trong khoảng thời gian ngừng bắn này. Việc Nga và và quân đội chính phủ Syria đẩy mạnh chiến dịch không kích tại thành phố Aleppo, tiêu diệt các phần tử chống đối và khủng bố, cũng là một trong những lý do khiến cho quan hệ Moskva – Washington trở nên căng thẳng hơn.

Tổng thống Putin đã phát biểu một cách rõ ràng về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và Mỹ, nhấn mạnh rằng, những gì chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn là “áp đặt” hơn là đối thoại. Đề cập quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ Nga lo ngại về chính sách của NATO khi liên minh quân sự này đang tìm cách răn đe Moskva, song vẫn đang chờ đợi câu trả lời cụ thể của NATO về đề xuất nối lại mối quan hệ hợp tác hai bên.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng, việc NATO tăng cường các cơ sở hạ tầng quân sự, không ngừng xây dựng các hệ thống phòng thủ cũng như thành lập các đơn vị vũ trang tiến sát biên giới Nga, sẽ phá vỡ sự ổn định chiến lược tại lục địa châu Âu. Bằng cách này, NATO đang rút khỏi cuộc đối thoại chuyên nghiệp với Nga.

Trong khi đó, về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg hồi cuối tháng trước cho rằng, những hành động gần đây của Nga tại vùng biên giới với NATO không làm giảm căng thẳng và không thể dự báo trong quan hệ giữa NATO và Moskva. Theo ông Stoltenberg, Nga vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự quyết đoán của mình, bao gồm cả hàng loạt cuộc tập trận không thông báo trước.

“Chỉ trong tháng này, Liên bang Nga đã triển khai tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở khu vực Kaliningrad, cũng như đình chỉ thỏa thuận về vũ khí plutonium với Mỹ” - Tổng Thư ký NATO cho biết, đồng thời cáo buộc Moskva tiếp tục gây bất ổn ở phần phía Đông của Ukraina, hỗ trợ quân sự và tài chính cho phe ly khai, cũng như hỗ trợ chính quyền Syria, làm cho NATO “quan ngại sâu sắc”.

Thật khó có thể tưởng tượng ra kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh lại có một thời kỳ mà mối quan hệ giữa Nga và Mỹ lại xấu đến vậy. Quan hệ giữa Nga và Mỹ, cũng như phương Tây trở nên căng thẳng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Nga. Sau đó, hai bên tiếp tục bất đồng trong nhiều vấn đề quốc tế khác như vấn đề Syria.

Giải thích cho sự xấu đi của mối quan hệ này, theo ông Paul R Pillar, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Đại học Georgetown và là một cựu quan chức cao cấp của CIA, lỗi trước tiên là do phương Tây: “Quan hệ xấu đi khi phương Tây đã không đối xử với Nga như là một quốc gia đúng nghĩa”. Và cội nguồn của vấn đề này là do sự nhiệt tình của phương Tây trong việc mở rộng NATO.

Trong khi đó, cựu giám đốc của Cơ quan Mật vụ Anh (MI6) Sir John Sawers chỉ ra rằng, phương Tây đã không quan tâm đầy đủ đến việc xây dựng các mối quan hệ chiến lược đúng đắn với Nga trong tám năm qua.

Theo ông, nếu có một sự thông hiểu giữa Washington và Moskva về luật chơi - là không cố gắng phá sập hệ thống của nhau - thì việc giải quyết các vấn đề trong khu vực như Syria hay Ukraine hoặc CHDCND Triều Tiên sẽ dễ dàng hơn.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng, nguyên nhân của sự căng thẳng trong mối quan hệ Nga – Mỹ trong thời gian gần đây là do cán cân quyền lực giữa Nga và NATO trở nên nghiêng lệch, việc đóng cửa các cổng trao đổi thông tin cũng như các lệnh trừng phạt kinh tế mà Liên minh châu Âu áp dụng đối với Nga cũng như Mỹ.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân