Nga lên tiếng về cảnh báo "tấn công NATO"
(Dân trí) - Quan chức tình báo Nga cho biết cảnh báo của phương Tây về khả năng Nga tấn công NATO nhằm khiến Moscow sợ hãi và từ bỏ mục tiêu trong cuộc xung đột Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti hôm 25/1, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin cho biết, những cảnh báo của nhiều quan chức phương Tây gần đây về khả năng Nga tấn công NATO là một phần của "cuộc chiến thông tin" đang được tiến hành nhằm vào cả chính quyền Nga và người dân nước này.
"Kiểu chiến tranh này tìm cách biện minh cho hành động gây hấn hiện tại của phương Tây chống lại Nga", ông Naryshkin nói.
Theo ông Naryshkin, thông qua các hành động "phối hợp", phương Tây đang nỗ lực đe dọa Moscow bằng cách làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp toàn diện giữa Nga và NATO.
"Phương Tây nhấn mạnh sự hiếu chiến, sự sẵn sàng huy động lực lượng của họ, hy vọng gây ảnh hưởng đến Nga để Nga từ bỏ các kế hoạch và mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine)", ông Naryshkin giải thích, đồng thời nói thêm rằng ông coi những nỗ lực này là vô ích.
Bình luận của ông Naryshkin được đưa ra sau khi Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, cảnh báo khối quân sự do Mỹ đứng đầu rằng họ phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột quy mô lớn với Nga trong vòng 20 năm tới, một cuộc xung đột đòi hỏi phải huy động lực lượng dân thường đông đảo.
Khoảng 90.000 binh sĩ NATO trong tháng này đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự lớn nhất của liên minh kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 đã tăng hơn gấp đôi quy mô kể từ khi được công bố vào năm ngoái và được lên kế hoạch rõ ràng để chuẩn bị cho kịch bản xung đột với Nga.
Trước đó, báo Bild ngày 14/1 tiết lộ, lực lượng vũ trang của Đức đang chuẩn bị một bản kế hoạch chi tiết cho cuộc xung đột giữa Nga và NATO, đỉnh điểm là việc triển khai hàng trăm nghìn binh sĩ NATO khi cuộc chiến có thể nổ ra vào mùa hè năm 2025.
Theo kịch bản này, Nga sẽ tổ chức đợt tấn công nhằm vào NATO ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Nước Mỹ được dự đoán tương đối dễ bị tổn thương trong giai đoạn này do tính chất của quá trình chuyển giao quyền lực.
Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng khối này không nhận thấy mối đe dọa trực tiếp nào từ Nga vào lúc này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius lại cảnh báo rằng Đức nên sẵn sàng đẩy lùi một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga và kêu gọi các thành viên NATO tự trang bị vũ khí cho kịch bản xung đột.
Các báo cáo gần đây cũng cho biết lực lượng vũ trang châu Âu chưa sẵn sàng cho một cuộc đụng độ lớn với Nga. Năng lực phòng thủ của những quốc gia này đã phần nào suy yếu khi liên tục phải dành sự trợ giúp cho quân đội Ukraine.
Các quan chức Nga đã nhiều lần bác bỏ các kế hoạch nhằm tấn công NATO, trong đó Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Moscow không có lợi ích gì khi làm như vậy. Tuy nhiên, Moscow đã bày tỏ quan ngại trong nhiều thập niên về việc NATO mở rộng tới biên giới của Nga, đặc biệt là nỗ lực của khối này nhằm sáp nhập Ukraine.