Nga lên án 3 nước "hành động thù địch" khi cấm máy bay chở Ngoại trưởng
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga chỉ trích việc các nước đóng cửa không phận đối với máy bay chở ông giữa lúc chiến sự tại Ukraine leo thang.
"Nếu chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga tới Serbia bị phương Tây coi là một mối đe dọa trên quy mô toàn cầu, thì rõ ràng tình hình ở phương Tây đang rất tồi tệ", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay 6/6 tuyên bố.
Ông Lavrov dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại thủ đô Belgrade hôm nay, nhưng buộc phải hủy chuyến thăm sau khi các nước láng giềng của Serbia, gồm Bulgaria, Bắc Macedonia và Montenegro, đóng cửa không phận đối với máy bay chở Ngoại trưởng Nga.
Ngoại trưởng Nga buộc phải hủy chuyến công du Serbia dự kiến diễn ra vào ngày 6-7/6. Về phía Serbia, Thủ tướng Ana Brnabic cho biết, tình hình xung quanh chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov "rất phức tạp" và nói thêm rằng Tổng thống Aleksandar Vucic đã cố gắng giải quyết các vấn đề hậu cần liên quan.
"Các nước láng giềng của Serbia đã đóng cửa đường hàng không duy nhất cho máy bay của Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến Serbia. Phái đoàn Nga dự kiến đến Belgrade để đàm phán, nhưng các thành viên EU và NATO đã đóng cửa không phận của họ, đóng một kênh liên lạc nữa", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận.
Ngoại trưởng Lavrov mô tả động thái chặn máy bay của các nước là "chưa từng có tiền lệ". Nhà ngoại giao Nga tuyên bố ông sẽ mời người đồng cấp Serbia đến Moscow.
Điện Kremlin hôm nay lên án việc 3 nước đóng cửa không phận đối với máy bay của Ngoại trưởng Nga, gọi đây là "hành động thù địch".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, vụ đóng cửa không phận và ngăn cản máy bay chở Ngoại trưởng Nga tới Serbia có thể làm thay đổi thời gian biểu làm việc, nhưng không ảnh hưởng tới hoạt động ngoại giao cấp cao. "Họ sẽ không thể ngăn cản Moscow duy trì liên lạc với các nước thân thiện như Serbia", ông Peskov nhấn mạnh.
Theo Reuters, Serbia là một trong số ít đồng minh còn lại của Nga ở châu Âu kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2. Mặc dù Serbia đã lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng nước này không tham gia cùng Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow.
Serbia cũng có quan hệ gần gũi với Nga về lĩnh vực văn hóa. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Serbia nhất trí rằng Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho Serbia trong khi nhiều nước phương Tây đã bị Moscow cắt nguồn cung do từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang căng thẳng đặc biệt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) tuần trước đã thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm vận một phần dầu mỏ của nước này. EU được cho là đang tiếp tục thảo luận gói trừng phạt thứ 7. Moscow cho rằng, lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào ngành năng lượng của Nga không khác nào "tự sát" bởi các nước này vốn phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ Nga.