1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga lại đi trước Mỹ trong tác chiến điện tử

Nga có kế hoạch phát triển một cơ sở huấn luyện cho binh lính tác chiến điện tử vào năm 2018, Tư lệnh lực lượng tác chiến điện tử Nga cho biết.

“Trong khuôn khổ trương trình phát triển các cơ sở huấn luyện, việc thiết lập trung tâm huấn luyện chuyên ngành cho bộ đội tác chiến điện tử của các lực lượng vũ trang Nga được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2018”, Thiếu tướng Yury Lastochkin cho biết hôm 15/4.

Theo ông, cơ sở này sẽ cho phép chuẩn bị nhanh chóng việc thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu cho các đơn vị tác chiến điện tử, cũng như tính toán thực tế các tình huống chiến dịch và chiến thuật cụ thể trên chiến trường.

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha của Nga.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha của Nga.

Việc thành lập cơ sở huấn luyện cho binh lính tác chiến điện tử cũng sẽ giúp giảm chi phí hậu cần và tài chính cho quân đội Nga, vị tư lệnh này cho biết thêm.

Thiếu tướng Lastochkin tiết lộ rằng, một tổ hợp huấn luyện điện tử mới đã được phát triển và sẽ trải qua đợt thử nghiệm cấp nhà nước trong tương lai gần.

Với kế hoạch trên, Nga lại tiếp tục vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực tác chiến điện tử. Giới chức Mỹ đã phải nhiều lần thừa nhận rằng, Mỹ chưa có khả năng lớn về tấn công điện tử trong khi chất lượng và sự tinh xảo của hệ thống tác chiến điện tử Nga rất "khó chịu".

Trái ngược với Mỹ, Nga có các đơn vị lớn chuyên về tác chiến điện tử để tấn công điện tử, gây nhiễu liên lạc, radar và các mạng chỉ huy – kiểm soát dưới mặt đất. Trong giao chiến, lực lượng Nga có thể ngăn khả năng đáp trả của mục tiêu, ví dụ như họ có thể tấn công kẻ địch mà không bị trừng phạt.

Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu, Tướng Frank Gorenc vào tháng 11/2015 thú nhận, các hệ thống tác chiến điện tử Nga biến mọi ưu thế vũ khí công nghệ cao hiện có trong trang bị của NATO thành con số không.

Cũng trong năm ngoái, Trung tá Gregory Griffin, người đứng đầu bộ phận các chương trình và yêu cầu của Sư đoàn Chiến tranh Điện tử tiết lộ, lục quân Mỹ có tổng cộng 813 chuyên viên về tác chiến điện tử, nhưng chủ yếu là nắm lý thuyết hơn phần cứng, trừ phi chúng được triển khai. Trong doanh trại, các binh sĩ này thường được bố trí công việc khác, khiến cho tác chiến điện tử được nói đùa là chữ viết tắt của “Nhân viên bổ sung” (extra worker) – dù điều này đã được thay đổi khi Lục quân Mỹ tăng cường chiến lược tác chiến điện tử.

Tháng 2/2016, Quốc hội Mỹ đã đề xuất một dự luật mới nhằm đẩy nhanh phát triển công nghệ tác chiến điện tử lên ngang tầm với Nga, thay thế cho những quy định hiện hành, vốn quy định tiến trình mua sắm vũ khí trang bị của Mỹ phải mất hàng chục năm, qua đó giúp tăng cường năng lực của quân đội Mỹ.

Theo An Nhiên

Đất Việt