1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga không hài lòng về lá chắn quân sự của Mỹ

(Dân trí) - Ngày 28/3, Tổng thống Vladimir Putin trao đổi với Tổng thống George W.Bush về những lo ngại của Nga trước dự án lá chắn quân sự của Mỹ tại châu Âu. Đây cũng chính là vấn đề gây chia rẽ Mỹ và Liên minh châu Âu.

Điện Kremlin cho biết, trong cuộc trò chuyện qua điện thoại, Tổng thống Putin đã nếu rõ lý do khiến Nga lo lắng trước các dự án xây dựng căn cứ phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Mỹ  tại châu Âu. Đây là cuộc đối thoại thẳng thắn đầu tiên giữa hai nguyên thủ quốc gia. Thông cáo của điện Kremlin cho biết Tổng thống Bush muốn thảo luận chi tiết và mong Nga hợp tác vì lợi ích an ninh chung. Mỹ muốn triển khai 10 hệ thống đánh chặn tại Ba Lan và một radar hỗ trợ tại CH Séc. Trong khi đó, Nga kịch liệt chỉ trích dự án này, vì cho rằng nó đe dọa đến an ninh của mình.

Ông Pavel Felgenhauer, một chuyên gia phân tích quân sự độc lập, cho biết dự án này không hề đe dọa an ninh nước Nga. Nước này phản đối dự án do lo sợ hệ thống chống tên lửa sẽ không chỉ dừng lại ở quy mô như ban đầu và phật lòng vì không được tham khảo ý kiến.

Ông Felgenhauer nhận định: "Các kế hoạch này có thể thay đổi và Mỹ có thể không chỉ triển khai máy bay đánh chặn mà cả tên lửa phòng thủ". Nước Nga không chỉ yêu cầu vùng độc quyền ảnh hưởng đối với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, mà còn muốn có quyền phủ quyết mọi hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại các nước thuộc Hiệp ước Varsava cũ và 3 nước vùng Baltic.

NATO nhấn mạnh rằng phía đông- nam của Liên minh châu Âu là Bungary, Rumani, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia vào kế hoạch này mà vào hệ thống chống tên lửa khác.

Trong buổi giới thiệu dự án tại Hungary, chuẩn tướng Patrick O'Reilly, Phó giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa của Mỹ tái khẳng định rằng hệ thống này không có khả năng đánh chặn các tên lửa xuất phát từ Nga, mà chỉ dùng để đánh chặn tên lửa tấn công tầm xa, giúp bảo vệ châu Âu khỏi các vụ tấn công có thể xuất phát từ Trung Đông. Một hệ thống phụ trợ sẽ được triển khai để giúp bảo vệ Cựu lục địa khỏi tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Ông này còn cho biết Nga sẽ được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh liên kết của NATO diễn ra vào tháng 4 tới. Đây là dịp để nước này kiểm tra chi tiết dự án của Mỹ. Washington rất muốn hợp tác với Matxcơva trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa vì Nga hiện đang sở hữu nhiều công nghệ rất cao. Việc mở rộng tấm lá chắn ở CH Séc và Ba Lan chỉ nhằm hoàn chỉnh hệ thống đã triển khai tại Mỹ, Groenland và Anh.

Hai nước đầu tàu của Liên minh châu Âu là Pháp và Đức đã kêu gọi thương lượng giữa các thành viên NATO, nhưng thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho rằng, đề nghị của Mỹ là vấn đề song phương. Ngày 28/3, Praha chấp nhận mở thương lượng chính thức về kế hoạch xây dựng một radar trong khu quân sự gần thủ đô, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của người dân.

Cuộc tranh cãi về tấm lá chắn xem ra vẫn chưa ngã ngũ. Chuyên gia Pavel Felgenhauer bình luận: "Trao đổi ngoại giao càng thẳng thắn chứng tỏ các bên chưa hoàn toàn đi đến đồng ý. Trên nguyên tắc, cả hai ông Bush và Putin đều sắp hết nhiệm kỳ nên không thể hi vọng có những thay đổi lớn".

Ngọc Nhàn

Theo AFP

Dòng sự kiện: Nga Mỹ lườm nguýt