1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga khoe sức mạnh tên lửa chưa từng tham chiến

Hãng tin TASS của Nga đã cho đăng tải bài viết ngắn sơ lược về sức mạnh tên lửa chiến lược của nước này.

Tiếng nói của sức mạnh

Ngày 17/12 là ngày truyền thống của Lực lượng Tên lửa Chiến lược (RVSN) Nga, được kỷ niệm từ năm 2006 theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Dù vậy, đây là lực lượng có lịch sử hình thành từ năm 1959 theo một nghị định bí mật của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô khi đó.

Vào thời điểm Liên Xô tan rã, RVSN có tới 6 tập đoàn quân và 28 sư đoàn. Số lượng tên lửa trực chiến đạt đỉnh điểm vào năm 1985 với 2.500 tên lửa các loại, trong đó có tới 1.398 tên lửa liên lục địa. Trong khi đó, số lượng đầu đạn trực chiến đạt đỉnh điểm vào năm 1986 với 10.300 đầu đạn.

Nhà bình luận quân sự Viktor Litovkin của hãng tin TASS nói: “Thật thú vị là trong suốt thời gian tồn tại của mình, RVSN chưa một lần tham chiến. Nhưng sự có mặt của lực lượng này ở Nga, cũng như các lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển và trên không, đã đảm bảo an ninh, chủ quyền, độc lập và vị thế của một cường quốc cho nước Nga”.

Sức mạnh tên lửa giúp Nga có tiếng nói đầy trọng lượng
Sức mạnh tên lửa giúp Nga có tiếng nói đầy trọng lượng

Chuyên gia này nhấn mạnh ngay cả quân đội mạnh nhất trên thế giới với ngân sách quốc phòng và GDP vượt gấp nhiều lần của Nga vẫn buộc phải tính tới ý kiến và quan điểm của Nga trên trường quốc tế. Một trong những nguyên nhân là Nga hiện sở hữu hơn 400 tên lửa chiến lược với trên 950 đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới bất kỳ điểm nào trên Trái Đất.

Lực lượng RVSN của Nga hiện có 3 tập đoàn quân với các sở chỉ huy đặt tại Omsk, Orenburg và Vladimir. Mỗi tập đoàn quân có 12 sư đoàn thường trực cùng các bãi phóng tên lửa, kho đạn, các trung tâm huấn luyện và liên lạc.

RVSN hiện có khoảng 400 tên lửa liên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân các loại. Lực lượng này chiếm tới hơn 60% vũ khí chiến lược và đạn dược của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.

Tên lửa hạng nặng Voevoda và Sarmat

Theo các nguồn tin công khai, RVSN hiện có gần 300 tên lửa liên lục địa di động và bố trí trong hầm phóng với 1.200 đầu đạn. Trong số này, Voevoda (phương Tây gọi là Satan) là loại tên lửa hạng nặng nhất. Loại tên lửa này được ký hiệu là R-36M2 (SS-18), nặng 210 tấn, bố trí trong hầm phóng và sử dụng nhiên liệu lỏng.

Voevoda có thể mang 10 khối đầu đạn hạt nhân được dẫn đường riêng biệt và đủ khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng không nào. Sức công phá của mỗi đầu đạn lên tới 750 kiloton.

Tên lửa Voevoda (SS-18) của Nga
Tên lửa Voevoda (SS-18) của Nga

Nga hiện có 46 tên lửa Voevoda vốn được đưa vào trang bị từ năm 1988 và dự kiến sẽ tiếp tục trực chiến tới năm 2022. Tên lửa này sẽ được thay thế bằng loại Sarmat.

Sarmat có trọng lượng nhẹ hơn, nhưng lại có khả năng mang số lượng đầu đạn nhiều hơn (15). Ngoài ra, những đầu đạn của Sarmat có tốc độ bay siêu thanh, có thể thay đổi quỹ đạo bay và độ cao. Không có bất kỳ hệ thống phòng không nào, cả hiện tại và tương lai, có thể khắc chế được tên lửa này.

Đại tướng Sergei Karakaev, Tư lệnh RVSN, cho biết các chỉ số về độ tin cậy của tổ hợp Voevoda sau 28 năm đưa vào sử dụng hiện vẫn rất ổn định.

Mẫu thử nghiệm của Sarmat đã ra mắt vào năm 2015 và dự kiến sẽ sớm được phóng thử sau khi hoàn tất hệ thống hầm phóng tại Plesetsk.

Lực lượng RVSN của Nga còn có loại tên lửa hai tầng sử dụng nhiên liệu lỏng và bố trí trong hầm phóng UT-100NUTTKh, thường được gọi là loại “100” (phương Tây gọi là SS-19 hoặc Stiletto).

Loại tên lửa này nặng 105,6 tấn, có khả năng mang 6 đầu đạn hạt nhân sức công phá 750 kiloton được điều khiển riêng biệt. Tên lửa được đưa vào trang bị từ năm 1979 và số lượng hiện có là 40.

Tên lửa Yars phiên bản di động
Tên lửa Yars phiên bản di động

Nga đang thay thế “100” bằng các tổ hợp tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn Yars, có khả năng mang 3 đầu đạn có sức công phá 150-300 kiloton và bay tới mục tiêu với tốc độ siêu thanh.

Đại tướng Sergei Karakaev cho biết các tên lửa Yars vận dụng các phương án nhằm chống lại các hệ thống phòng không bố trí trên vũ trụ. Việc đưa vào trang bị loại tên lửa này giúp nâng cao năng lực tấn công của RVSN và củng cố tiềm lực kiềm chế hạt nhân của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.

Ngoài phiên bản bố trí trong hầm phóng sử dụng nhiên liệu rắn, Yars (RS-24) còn có phiên bản di động và hiện đã có 23 tên lửa được đưa vào trực chiến.

Topol và Barguzin

Tên lửa Topol (SS-25) được đưa vào trang bị từ năm 1988 và dự kiến sẽ tiếp tục trực chiến tới năm 2022. Hiện Nga có khoảng 70 tên lửa Topol và dự kiến sẽ dần được thay thế bằng Yars.

Topol-M được đưa vào trang bị từ năm 1997 với cả phiên bản bố trí trong hầm phóng và di động. Nga hiện có 80 tên lửa loại này và cũng sẽ được thay thế bằng tên lửa Yars.

Trên cơ sở Yars, Nga còn chế tạo tên lửa Rubezh (RS-26). Loại tên lửa này được cho là nhẹ hơn Yars nhưng hoàn thiện hơn và chỉ có phiên bản di động.

Hãng tin TASS nhận định loại tên lửa này có thể sẽ được trang bị cho hệ thống tên lửa đường sắt vốn bị loại khỏi trực chiến từ cuối thế kỷ trước.

Nga đang hồi sinh đoàn tàu tên lửa
Nga đang hồi sinh đoàn tàu tên lửa

Nga đang chế tạo đoàn tàu tên lửa Barguzin được cho là có khả năng mang tới 6 tên lửa Rubezh sử dụng nhiên liệu rắn. Hệ thống này dự kiến sẽ được đưa vào trang bị trong giai đoạn 2019-2020 và tiếp tục trực chiến tới năm 2040.

Tất cả những thay đổi này của lực lượng tên lửa chiến lược Nga đều nằm trong khuôn khổ hiệp ước SNV-3 đã ký với Mỹ vào năm 2010. Theo đó, Nga và Mỹ sẽ duy trì 700 phương tiện mang tên lửa được triển khai (cùng 100 phương tiện dự trữ) với 1.550 đầu đạn hạt nhân.

Hãng tin TASS khẳng định khoản ngân sách trong khuôn khổ chương trình vũ trang quân đội Nga tới năm 2020 đủ để đảm bảo tốc độ tái trang bị lực lượng RVSN. Tư lệnh Sergei Karakaev khẳng định lực lượng này sẽ có cơ cấu cân đối, số lượng tên lửa hợp lý nhằm đảm bảo các nhiệm vụ kiềm chế hạt nhân và an ninh của Nga.

Theo Bảo Minh

Đất Việt