1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga khánh thành đường ống dẫn dầu 25 tỷ USD sang châu Á và Mỹ

(Dân trí) - Tổng thống Nga Putin hôm nay 25/12 đã khai trương đoạn đường ống dẫn đầu mới, trị giá 25 tỷ USD dẫn sang Thái Bình Dương, trong nỗ lực dần chuyển nguồn năng lượng ra khỏi các thị trường trì trệ ở châu Âu.

Nga khánh thành đường ống dẫn dầu 25 tỷ USD sang châu Á và Mỹ

 

Đường ống dẫn dầu Đông Siberia- Thái Bình Dương (ESPO) dự kiến mở rộng thị trường bán năng lượng của Nga sang châu Á và cả Hoa Kỳ, “thỏa” giấc mơ của ông Putin, là củng cố vị trí của Nga là lực lượng chủ yếu trong thị trường dầu thô quốc tế.

 

Đoạn đường ống thứ hai vừa khánh thành khởi đầu từ Skovorodino, vùng Amour,  nối tiếp đoạn đường ống thứ nhất, dài 2.694 km, nối liền Đông Siberia với thành phố Skovorodino. Đoạn ống thứ nhất đã đi vào hoạt động từ 12/2009. Cho đến nay, không có đoạn đường ống này, dầu được chuyển ra cảng Kozmino bằng tàu hỏa. Theo Transneft, công ty quốc gia phụ trách vận chuyển dầu, trong tương lai, đường ống mới có khả năng chuyên chở đến 50 triệu tấn/năm.

 

Tổng thống Nga Putin tuyên bố, việc đưa vào hoạt động đoạn đường ống thứ hai cho phép “mở rộng đáng kể các cơ sở hạ tầng của vùng Viễn Đông nước Nga”.

 

Nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng. Dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu chiếm một nửa nguồn thu từ xuất khẩu của quốc gia này. Nga cũng là nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới, cùng với Ảrập Xê-út.

 

Theo các nhà phân tích, vào thời điểm hiện tại, khi nhu cầu năng lượng của Châu Âu giảm xuống, do khủng hoảng kinh tế, Matxcơva đặt hy vọng vào Châu Á, nơi mà mức tiêu thụ năng lượng dự kiến sẽ tăng nhiều trong những năm tới.

 

Trước đó, vào đầu năm 2011, Nga đã đưa vào hoạt động một đường ống dẫn dài 930 km, nối liền Siberi với các cơ sở lọc dầu miền Đông Bắc Trung Quốc. Với đường ống mới khánh thành này, Nga hy vọng thúc đẩy việc xuất khẩu dầu đến toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa là sang Mỹ. Dầu Siberi sẽ được chuyển đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Đài Loan…

 

Hiện tại, 35% lượng dầu qua cảng Kozmino đi sang Mỹ, khoảng 30% sang Nhật Bản, từ 25 đến 28% sang Trung Quốc.

 

Vũ Quý

Theo AFP