1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga khẳng định vị thế ở Trung Đông sau thắng lợi tại Syria

Chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tới Nga một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Matxcơva không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố và lực lượng nổi dậy ở quốc gia Trung Đông.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Matxcơva ngày 21-11

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Matxcơva ngày 21-11

Tại cuộc hội đàm ở thành phố Sochi trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thảo luận các nguyên tắc chính trong tổ chức tiến trình chính trị tại Syria với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổng thống Nga ghi nhận nỗ lực của quân đội Syria trong chiến dịch quân sự chống khủng bố và cho biết thêm chiến dịch đó đang kết thúc để chuyển sang tiến trình chính trị.

Ông hoan nghênh thái độ của Tổng thống Assad sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên mong muốn hòa bình và chấm dứt xung đột. Tổng thống Putin hy vọng sẽ có thêm các cuộc tham vấn bổ sung trong khuôn khổ cuộc hội đàm Nga-Syria, trong đó vấn đề chính được đề cập là tiến trình chính trị dài hạn sau khi đánh bại khủng bố ở Syria, bao gồm các nguyên tắc chính tổ chức tiến trình chính trị, tiến hành Đại hội đối thoại dân tộc Syria.

Về phần mình, Tổng thống Assad khẳng định chiến dịch kéo dài 2 năm qua đã rất thành công và hiện nay tình hình tại nước này cho phép hướng đến một giải pháp chính trị. Ông Assad hy vọng vào sự ủng hộ của Nga nhằm bảo đảm không có sự can thiệp của bên ngoài vào tiến trình này, ngoài việc ủng hộ tiến trình do chính người dân Syria tiến hành.

Sự can thiệp của Nga tại Syria cho tới nay đã chứng tỏ đem lại lợi ích thực sự không chỉ cho Damascus mà còn cho Matxcơva. Nga đã đảm bảo được sự hiện diện tại Syria trong ít nhất 49 năm tới, đồng thời mở rộng được ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông chiến lược. Chiến trường Syria cũng cho phép Nga thử nghiệm vũ khí, thiết bị quân sự và chiến thuật chiến tranh trong bối cảnh họ đang tìm cách tăng cường hiệu quả chiến đấu cho binh sĩ.

Việc quân đội Syria cho đến nay đã giải phóng được hơn 95% phần lãnh thổ mà IS chiếm đóng tại nước này, là một trong những kết quả của chiến dịch hỗ trợ quân sự hiệu quả mà Nga triển khai suốt 2 năm qua.

Kể từ ngày 30-9-2015, sau khi Tổng thống Nga chỉ thị cho không quân nước này tham gia hỗ trợ quân đội Syria chống khủng bố theo đề nghị của chính quyền Tổng thống al-Assad, lực lượng không quân Nga đã tiến hành 92.000 cuộc không kích, tiêu diệt hơn 96.000 mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và hơn 53.700 phiến quân, liên tiếp đem lại thắng lợi lớn cho quân đội Chính phủ Syria. Đầu tháng 9-2017, thành trì lớn cuối cùng của IS tại thành phố Deir Ezzor cũng bị phá vỡ. Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tuyên bố chiến thắng quân sự của quân đội Chính phủ hiện đã ở trong tầm tay.

Chiến thắng trên chiến trường đã giúp chính quyền của Tổng thống al-Assad giành được lợi thế trong tiến trình đàm phán hòa bình Syria, tạo tiền đề vững chắc cho tương lai chính trị của nhà lãnh đạo này. Trên bàn đàm phán, lực lượng được Mỹ hậu thuẫn Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) từ chỗ yêu cầu Tổng thống al-Assad “phải ra đi” thì nay gần như chỉ còn tiếng nói yếu ớt trong việc thương lượng trách nhiệm về tương lai Syria thời hậu IS.

Bên cạnh đó, chiến thắng tại Syria còn là chiến thắng trên mặt trận ngoại giao của Nga. Các đối thủ truyền thống của ông Assad, chẳng hạn như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phải chấp nhận quan điểm của Matxcơva về ông Assad.

Uy tín của Tổng thống Putin càng được nâng cao khi cộng đồng quốc tế ghi nhận sáng kiến ngừng bắn do ông đề xuất tại khu vực Tây Nam Syria, dẫn đến sự hình thành của 4 vùng giảm căng thẳng, sau cuộc gặp của người đứng đầu Điện Kremlin với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 7 vừa qua. Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ được coi là những nước bảo trợ cho thỏa thuận ngừng bắn này.

Vì thế, sự hợp tác của Nga với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu giảm bớt, ngược lại còn được tăng cường mạnh mẽ hơn mang tính chiến lược trong việc đối đầu với phương Tây. Trong khi đó, các đồng minh then chốt của Mỹ tại khu vực là Israel, Jordan và Saudi Arabia lại phải thảo luận với Nga về các vấn đề an ninh quốc gia mang tính sống còn. Hơn nữa, thất bại của phe nổi dậy Syria ở Aleppo cho thấy, sự hậu thuẫn mà Mỹ và các nước đồng minh dành cho lực lượng này dường như không còn hiệu quả.

Theo Minh Thu

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm