1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga "dư sức" tài trợ chiến dịch không kích thêm 1 năm

(Dân trí) - Với ngân sách quốc phòng “khủng” cộng với chi phí triển khai quân chỉ bằng 1/10 những gì Mỹ đang phải chi trên chiến trường, Nga có thể dễ dàng tài trợ chiến dịch không kích tại Syria tới 1 năm, các chuyên gia nhận định.

Bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào muốn triển khai một chiến dịch quân sự ở nước ngoài trong bối cảnh kinh tế suy thoái sẽ khó có thể thuyết phục công chúng ủng hộ. Tuy nhiên với Tổng thống Putin và chính phủ Nga, đây dường như chỉ là “chuyện nhỏ”. Bản dự thảo ngân sách 2016 được đệ trình lên Duma (Hạ viện Nga) tối 23/10 vừa qua thậm chí còn không đề cập đến chi phí cho chiến dịch không kích IS tại Syria.

Chiến dịch không kích IS tại Syria của Không quân Nga đã bước sang tuần thứ 4 (Ảnh: Sputnik)
Chiến dịch không kích IS tại Syria của Không quân Nga đã bước sang tuần thứ 4 (Ảnh: Sputnik)

Giá dầu thấp, đồng rúp suy yếu cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến kinh tế Nga suy giảm tới 3,4% trong nửa đầu năm. Với khoảng 50% thu ngân sách của Nga phụ thuộc vào dầu mỏ, giá dầu giảm đồng nghĩa với phải cắt giảm chi tiêu.

Bất chấp điều này, Mátxcơva có thể dễ dàng tài trợ chiến dịch quân sự tại Syria, bởi chi phí thấp hơn nhiều so với những chiến dịch tương tự của Mỹ và ngân sách quốc phòng “khủng” sau 17 năm tăng liên tục.

Ngay cả khi Tổng thống Putin quyết định kéo dài cuộc chiến ở cường độ hiện tại lên một năm, tổng chi phí cho cuộc chiến cũng chiếm chưa tới 3% ngân sách quốc phòng dự kiến cho năm 2016, phân tích của tạp chí quân sự IHS Jane’s và tờ Financial Times cho biết.

“Chúng tôi tin rằng một chiến dịch như hiện tại sẽ tiêu tốn khoảng từ 2,3 – 4 triệu USD/ngày”, Ben Moores, nhà phân tích cấp cao của tạp chí IHS Jane’s cho biết.

Trong năm tới, dự kiến sẽ có 3,15 nghìn tỷ rúp (51 tỷ USD) được phân bổ cho chi tiêu quốc phòng của Nga, tăng 0,8% so với năm nay.

Với việc truyền hình quốc gia không ngừng đưa tin về chiến dịch không kích, khẳng định các chiến đấu cơ Nga đang ném bom các mục tiêu khủng bố, cuộc khảo sát độc lập của tổ chức Levada mới đây cho thấy, tỉ lệ người Nga ủng hộ chiến dịch này đã tăng vọt từ mức 14% hồi cuối tháng 9 lên hơn 70%.

Trong khi đó, tỉ lệ người được hỏi ủng hộ Tổng thống Putin đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, 89,9%, hãng nghiên cứu VTsIOM cho biết.

Tính toán của ông Moores dựa trên giả định Nga có 36 chiến đấu cơ và 20 trực thăng tại căn cứ không quân Latakia, với trung bình khoảng 30 lần xuất kích/ngày, mỗi lần ném 5 quả bom. Ngoài ra, ông cho biết cũng tính tới sự hiện diện của ít nhất 1500 binh sỹ Nga tại căn cứ, cùng hỗ trợ từ lực lượng hải quân.

Chi phí duy trì quân đội Nga tại Syria chỉ bằng 1/10 so với mức Mỹ phải chi trả tại Afghanistan (Ảnh: RT)
Chi phí duy trì quân đội Nga tại Syria chỉ bằng 1/10 so với mức Mỹ phải chi trả tại Afghanistan (Ảnh: RT)

Theo dữ liệu của IHS, Nga có thể duy trì sự hiện diện của binh sỹ tại Syria với chi phí chỉ bằng 1/10 con số khoảng 4 triệu USD/ngày mà Mỹ phải chi ra, để triển khai số lượng lính tương tự tại Afghanistan.

Sự khác biệt lớn này là do Nga có thể tiết kiệm nhiên liệu bằng cách điều động binh sỹ trên đường biển, trong khi mức lương chi trả cho quân nhân và chi phí y tế đều thấp hơn. Ngoài ra, các quân nhân Nga được tin là chủ yếu tập trung tại căn cứ, thay vì tham gia chiến đấu trên chiến trường.

Số liệu gần đây do Lầu Năm Góc công bố cho thấy, Mỹ chi khoảng 4 tỷ USD sau 14 tháng tấn công các phần tử IS, tương đương gần 10 triệu USD/ngày.

Các chuyên gia quân sự Nga cũng như nước ngoài khác khẳng đinh, không thể tính toán chính xác chi phí Nga phải bỏ ra trong cuộc chiến tại Syria, do ngân sách quốc phòng Nga có nhiều điểm không công khai. Nhưng họ đều thống nhất rằng, chi phí này là không đáng kể so với tổng chi tiêu quân sự.

“Con số này (chi tiêu có cuộc chiến tại Syria) sẽ lọt thỏm trong một hố đen khổng lồ, chính là ngân sách quốc phòng của đất nước tôi”, Vasily Zatsepin, một chuyên gia về kinh tế quốc phòng tại Viện chính sách kinh tế Gaidar, tại Mátxcơva nhận định.

Ngân sách quốc phòng của Nga chiếm chưa đầy một nửa tổng chi tiêu quân sự, vốn dự kiến sẽ chiếm 5,42% GDP trong năm nay, Julian Cooper, một chuyên gia về chi tiêu quân sự Nga tại đại học Birmingham, Anh nhận định. Ngoài ngân sách quốc phòng được cấp, quân đội Nga mỗi năm còn chi một lượng tiền tương đương 60% ngân sách quốc phòng để mua sắm vũ khí, thiết bị, bảo dưỡng và phát triển.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Nga cho biết, chi phí cho chiến dịch Syria dự kiến sẽ được bù đắp bằng việc giảm số lượng và quy mô các cuộc diễn tập quân sự trong nước. Bộ quốc phòng Nga thường không công bố chi tiết về chi phí cho những cuộc diễn tập này.

Tính toán của IS chưa bao gồm việc phóng 26 tên lửa hành trình từ Biển Caspian vào Syria hôm 7/10. Một quan chức Nga cho biết, chi phí cho các tên lửa “rất đắt”, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng dù có tấn công khủng bố tại Syria hay không, Nga vẫn phóng một số tên lửa trong các cuộc diễn tập.

Các chuyên gia quân sự cho biết, nhiều danh mục chi tiêu của quân đội Nga đều có những khoản dự phòng, có thể dùng cho chiến dịch tại Syria.

“Cho dù về mặt chính thức lực lượng vũ trang Nga có 1 triệu người, ai cũng biết rằng con số thật chỉ đâu đó 850.000 người, nhưng bộ tài chính vẫn cấp kinh phí cho 1 triệu người”, Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ tại Nga nhận định. Những khoản mà bộ quốc phòng nói là chi phí, ví dụ như thưởng cho binh sỹ, có thể được chuyển sang phục vụ các chiến dịch.

Nhiều nhà phân tích quân sự cho biết thêm có khả năng các chương trình mua sắm khí tài trong nhiều năm có thể được triển khai chậm lại, để bù chi phí cho chiến dịch tại Syria. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Syria sẽ phải chịu ít nhất một phần chi phí nhiên liệu cho lực lượng không quân của Nga tại đây.

Thanh Tùng

Theo FT

 

Nga "dư sức" tài trợ chiến dịch không kích thêm 1 năm - 3