1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga dọa trả đũa nếu Mỹ đưa vũ khí hạng nặng tới Đông Âu

(Dân trí) - Mátxcơva nhận định kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng tới các nước NATO giáp biên giới Nga của Mỹ là hành động "mang tính công kích nặng nề nhất" kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và dọa sẽ “trả đũa” bằng cách tăng cường lực lượng của mình.

Xe tăng Armata của Nga trong lễ duyệt binh ngày 9/5 vừa qua. (Ảnh:

Xe tăng Armata của Nga trong lễ duyệt binh ngày 9/5 vừa qua. (Ảnh:RT)

Interfax ngày 15/6 dẫn lời một quan chức quốc phòng Nga Yuri Yakubov đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Mỹ đang xem xét chuyển xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các vũ khí hạng nặng khác tới các nước đồng minh ở Baltic và Đông Âu nhằm răn đe Nga. 

 "Nếu thiết bị quân sự hạng nặng của Mỹ, bao gồm xe tăng, pháo binh và các thiết bị khác thực sự được chuyển tới các nước Đông Âu và vùng Baltic, đây sẽ là bước đi mang tính công kích nhất của Lầu Năm Góc và NATO kể từ Chiến tranh Lạnh", quan chức Bộ Quốc phòng NgaYuri Yakubov nói.

"Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài xây dựng lực lượng và các nguồn lực của mình ở các mặt trận chiến lược phía Tây", hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Yakubov.

Ông Yakubov cũng nhấn mạnh rằng phản ứng của Mátxcơva có khả năng sẽ bao gồm cả việc triển khai tên lửa Iskander ở Kaliningrad, khu vực giáp với Ba Lan và Lithuania, đồng thời tăng cường triển khai lực lượng của Nga tại Belarus - quốc gia Liên Xô cũ.

"Chúng tôi hoàn toàn có thể tổ chức các hoạt động trả đũa nhằm củng cố biên giới phía tây", quan chức trên cho hay.

Tờ New York Times ngày 13/6 đưa tin Lầu Năm Góc đã “sẵn sàng” chuyển xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các vũ khí hạng nặng khác cho 5.000 binh sỹ Mỹ đồn trú tại các nước Baltic và Đông Âu nhằm răn đe Nga.

Số lượng vũ khí này dự tính sẽ được đặt tại các căn cứ các nước đồng minh và đủ để trang bị cho một lữ đoàn từ 3.000-5.000 quân, tương đương lượng vũ khí mà Mỹ đã duy trì tại Kuwait trong hơn 10 năm sau khi can dự vào Iraq hồi năm 1990.
 
Đề xuất của Lầu Năm Góc còn cần được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Nhà Trắng thông qua.

Nếu thành hiện thực, kế hoạch này đánh dấu lần đầu tiên từ sau Chiến tranh Lạnh Mỹ triển khai trang thiết bị vũ khí hạng nặng tại lãnh thổ các thành viên mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), những nước từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô.

Theo Interfax, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã từ chối bình luận về kế hoạch của Lầu Năm Góc với lý do chính phủ Mỹ chưa có thông báo chính thức về vấn đề này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/6 bày tỏ hy vọng kế hoạch của Mỹ sẽ không được thực thi.

"Chúng tôi hy vọng lý lẽ sẽ thắng thế và Đông Âu sẽ được ngăn ngừa khả năng rơi vào cuộc đối đầu quân sự mới, vốn có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng." - Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, người đứng đầu lực lượng Không quân Mỹ Deborah Lee James cho hay không quân nước này có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Âu do căng thẳng đang gia tăng với Nga. 

Thoa Phạm 
Theo Interfax