1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga đào tạo binh sĩ vận hành "rồng lửa" S-400 thế nào?

(Dân trí) - Chỉ những người ưu tú nhất trong những người ưu tú, những người phải trải qua hàng năm trời rèn luyện khắc nghiệt trong quân đội Nga, mới được giao nhiệm vụ điều khiển và vận hành những hệ thống phòng không hàng đầu thế giới S-300 và S-400.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (Ảnh: RT)
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (Ảnh: RT)

Các binh sĩ Nga được cung cấp và trang bị những hệ thống phòng thủ mạnh mẽ để bảo vệ vùng trời trên khắp thế giới. Các binh sĩ Nga phải dành ít nhất 5 năm rèn luyện và không nhiều người trong số đó có thể trụ lại được đến cuối cùng để được giao nhiệm vụ vận hành “rồng lửa” S-300 và S-400.

Một chương trình đào tạo những “người canh gác bầu trời” thường chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là học cách xem xét và phân tích kịch bản tấn công của đối thủ. Sau đó, các binh sĩ được học cách đối phó với từng tình huống cụ thể.

Theo chuyên gia quân sự Dmitri Safonov, các phương án phòng thủ sẽ được lên bằng miệng và cả trên giấy tờ nhằm khai thác tối đa tiềm năng của hệ thống cũng như hỏa lực của các tên lửa trong tổ hợp phòng không để có thể bắn hạ nhiều mục tiêu nhất có thể.

Hầu hết thời gian đào tạo tại các trường quân sự, các binh sĩ sẽ được nghiên cứu và học tập về các phương án trên. Các giáo sư, giảng viên sẽ phân tích và cung cấp kiến thức cho các sĩ quan tên lửa để đảm bảo họ hiểu sâu về hệ thống và các tình huống phòng thủ.

“Giai đoạn này đòi hỏi các binh sĩ ghi lại mọi hoạt động và trao đổi và các hành động họ dự kiến sẽ làm. Các kịch bản phòng thủ giả định sẽ trở nên cực kỳ phức tạp theo thời gian khi các giáo viên huấn luyện đưa ra các tình huống tấn công từ nhiều phía hoặc hệ thống phòng không gặp trục trặc”, ông Safonov nói.

Điều này có nghĩa là các binh sĩ sẽ phải học làm quen với mọi tình huống phức tạp nhất có thể để chuẩn bị đối phó một cách nhanh và hiệu quả nhất nếu các kịch bản ngặt nghèo có thể xảy ra.

Diễn tập thực chiến


Các binh sĩ điều khiển tổ hợp phòng không S-400. (Ảnh: Getty)

Các binh sĩ điều khiển tổ hợp phòng không S-400. (Ảnh: Getty)

Sau giai đoạn lên phương án chuẩn bị, giai đoạn diễn tập thực chiến được coi là phần thú vị nhất của những khóa đào tạo binh sĩ phòng không. Trong giai đoạn này, các binh sĩ sẽ được ra chiến trường giả định, chiến đấu với mục tiêu giả định nhưng các tình huống tấn công sẽ giống thật nhất có thể. Điểm khác biệt duy nhất giữa diễn tập và thực chiến là tên lửa sử dụng trong diễn tập và đào tạo là tên lửa không đầu đạn.

Theo ông Safonov, trong quá trình diễn tập Nga sẽ điều các máy bay chiến đấu với mục tiêu phải bay qua được lá chắn tên lửa S-300 hoặc S-400. Dĩ nhiên, các máy bay này sẽ bị "bắn hạ" trên máy tính về mặt lý thuyết. Vào một thời điểm nhất định, các máy bay này sẽ phải rời đi để tránh việc bị các tổ hợp phòng không “khóa mục tiêu” và bắn hạ thật sự.

Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều các máy bay không người lái và mục tiêu lạ xuất hiện trên bầu trời trong lúc diễn tập và các binh sĩ tên lửa có nhiệm vụ phải dò ra hết các mục tiêu và bắn hạ chúng.

“Quy trình này diễn ra trong 3 bước. Đầu tiên radar sẽ phát hiện ra mục tiêu đáng ngờ và thông báo tới khu vực điều khiển. Sau đó các binh sĩ sẽ xem xét quỹ đạo bay của mục tiêu và hướng phóng tên lửa trước khi áp dụng để bắn mục tiêu”, ông Safonov nói.

Uy lực của hệ thống phòng không Nga

Hệ thống phòng không Nga dựa chủ yếu vào 2 hệ thống S-300 và S-400. Cả hai hệ thống có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 250-400 km và bắn hạ trong khoảng cách 150 hoặc 250 km. Hai hệ thống có thể bắn hạ mục tiêu khi bay ở vận tốc 2,5 km/s. Ngoài ra, hệ thống radar trên S-300 và S-400 có thể dò ra được tối đa 36 mục tiêu cùng lúc và phóng tên lửa tiêu diệt tối đa 12 mục tiêu.

Dù thông tin chi tiết về công nghệ được áp dụng trên S-300 và S-400 cũng như số binh sĩ tên lửa đang vận hành 2 hệ thống này vẫn là thông tin mật, các chuyên gia ước tính có hàng trăm hệ thống phòng không và radar giám sát được phân bổ khắp lãnh thổ Nga.

Theo chuyên gia quân sự Vadim Kozyulin, hệ thống phòng không Pantsir-S1 có nhiệm vụ bọc lót cho S-300 và S-400. Tầm bắn của tổ hợp này 10-15 km và có nhiệm vụ tiêu diệt mọi mục tiêu lọt qua S-300 và S-400. Ngoài ra, Nga còn có một lớp phòng thủ khác chính là các máy bay chiến đấu Su-30MS, Su-35, MiG-29 và MiG-31.

Đức Hoàng

Theo RBTH