1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga đang “chơi khăm” Mỹ trong vụ bắt điệp viên CIA?

(Dân trí) – Khi mà vụ bê bối điệp viên CIA bị bắt tại Mátxcơva tưởng như sắp lắng xuống, giới chức Nga đã bất ngờ công bố tên của trưởng nhóm CIA hoạt động tại thủ đô nước mình. Đồng thời FSB khẳng định đã cảnh báo Mỹ 2 năm trước vụ bắt giữ.

Theo tờ Telegraph của Anh, thông tin trên được người phát ngôn của Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) công bố trong một cuộc trao đổi với báo giới trong nước.

Vụ bắt giữ điệp viên Ryan Fogle được Nga công bố rộng rãi
Vụ bắt giữ điệp viên Ryan Fogle được Nga công bố rộng rãi

Một nhà ngoại giao Mỹ, có cùng tên với người được FSB xác định là trưởng nhóm CIA tại Mátxcơva, được đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva công bố là một cố vấn trong cuốn danh bạ phiên bản Thu Đông 2012 – 2013.

Việc công bố danh tính của trưởng nhóm CIA làm việc tại Nga rất có thể sẽ gây phản ứng giận dữ từ Washington và gây tổn hại tới những mối quan hệ song phương quan trọng trong bối cảnh cả hai bên đều đang chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Thông thường, các cơ quan tình báo Nga và Mỹ vẫn công khai cho nhau biết danh tính người đứng đầu cơ quan tình báo của đại sứ quán nước mình tại nước kia. Tuy nhiên thông tin này không được công bố cho báo giới.

Vẫn theo Telegraph, việc công bố danh tính này dường như là một bước đi có tính toán của Mátxcơva nhắm vào Washington, chỉ một tháng sau khi hai nước đồng ý chia sẻ thông tin tình báo về nghi phạm đánh bom Boston.

Trước đó Nga cũng đã khiến Mỹ mất mặt khi phơi bày trên các kênh truyền hình điệp viên CIA Ryan Fogle, người bị bắt quả tang đang tìm cách lôi kéo một sỹ quan tình báo Nga cùng rất nhiều bằng chứng.

Nga đã cảnh báo Mỹ dừng lôi kéo đặc vụ từ năm 2011

Hồi tháng Giêng, Nga cũng đã bắt và trục xuất một điệp viên CIA vì có hành vi tương tự, tuy nhiên vụ việc được giữ kín. Theo người phát ngôn của FSB Nikolai Zakharov, sở dĩ vụ bắt Ryan Fogle được họ công khai là do phía Mỹ đã vượt qua “giới hạn đỏ” khi phớt lờ những cảnh báo từ Nga.

“CIA đã vượt qua giới hạn đỏ và chúng tôi buộc phải hành động”, ông Zakharov khẳng định.

Tháng 10/2011, FSB đã có cảnh báo chính thức tới trưởng nhóm CIA tại Mátxcơva rằng “nếu các nỗ lực tuyển bố có tính khiêu khích nhắm vào các nhân viên mật vụ Nga còn tiếp tục, FSB sẽ có các biện pháp “phản chiếu””, Zakharov cho biết thêm.

Ông khẳng định FSB đã nêu rõ danh tính các sỹ quan Nga được các điệp viên của CIA tiếp cận và còn thông báo sự việc tới giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper.

“CIA đã không coi trọng những lo ngại của chúng tôi về vấn đề này” và tiếp tục việc lôi kéo, người phát ngôn của FSB nói tiếp.

Ông cho biết tháng 12 vừa qua, một nhà ngoại giao Mỹ, cũng giống như Fogle, một bí thư thứ ba của đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva cũng bị bắt khi đang tìm cách chiêu mộ một đặc vụ Nga. Người này sau đó đã bị trục xuất khỏi Nga ngày 15/1 do bị tuyên bố là nhà ngoại giao không được thừa nhận.

Danh tính của người này sau đó được xác định là Benjamin Dillon. Cả Fogle và Dillon đều có tên trong danh bạ của đại sứ quán Mỹ phiên bản Thu – Đông 2012 – 2013.

Đại sứ quán Mỹ từ chối bình luận về việc một nhân viên của mình bị trục xuất hồi tháng Giêng. FSB thì khẳng định họ đã có thông tin cho thấy Fogle làm việc cho CIA ngay khi đặt chân đến Nga tháng 4/2011.

“Với hy vọng lãnh đạo CIA sẽ rút ra những kết luận cần thiết, chúng tôi đã không công bố vụ việc đó. Nhưng rõ ràng sự tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của FSB đã không được đánh giá đúng mức”, FSB khẳng định.

Thực tập sinh xuất sắc

Trong lúc các nhà phân tích còn đang chờ phản ứng từ phía Mỹ sau những công bố của FSB vừa qua, báo giới Nga đang tiếp tục hé lộ thông tin về lai lịch của điệp viên CIA bị bắt quả tang Ryan Fogle.

Fogle mới 29 tuổi và từng là sinh viên xuất sắc
Fogle mới 29 tuổi và từng là sinh viên xuất sắc

Theo Yousef Casewit, một người khẳng định đã cùng Fogle thực tập tại chương trình Trung Đông của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) do chuyên gia về Trung Đông Jon Alterman lãnh đạo, thì Fogle là một người thực sự xuất sắc

“Tất cả chúng tôi đều làm việc tích cực nhưng anh ta đúng là nổi bật”, Casewit, người đang theo học tiến sỹ Hồi giáo tại đại học Yale khẳng định với hãng tin RIA Novosti. “Có vẻ như anh ta thực sự muốn gia nhập cuộc đua tại Washington”.

Báo giới Mỹ tại St. Louis thì khẳng định Fogle năm nay mới 29 tuổi, tốt nghiệp trung học tại Viện Mary và St. Louis Country năm 2002. Sau đó Fogle theo học đại học Colgate tại New York và tốt nghiệp cùng lúc 2 chuyên ngành cử nhân khoa học chính trị và cử nhân quan hệ quốc tế năm 2006, Matt Hames, người phát ngôn của trường đại học Colgate xác nhận.

Casewit khẳng định Fogle từng tập trung nghiên cứu về quan hệ của Trung Quốc với các nước Trung Đông trong quá trình thực tập. Tuy nhiên dù ngồi cạnh nhau, họ không có mấy điểm tương đồng. Bởi vậy Fogle thường thân thiết với một thực tập sinh khác là Michael Ortiz, người đang giữ chức giám đốc các vấn đề lập pháp tại bộ phận nhân viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng. Ortiz từng là phát ngôn viên của Tổng thống Obama khi ông còn là thượng nghị sỹ.

Casewit cho biết anh thấy Fogle giống nhân vật chính trong loạt phim bom tấn của Hollywood về điệp viên có tiêu đề “Bourne”. “Bạn biết đấy, thật tuyệt khi nói rằng tôi đã từng thực tập cùng Jason Bourne”, Casewit nói.

Thanh Tùng
Tổng hợp