1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga có thể đáp trả thế nào nếu Mỹ đặt tên lửa tầm xa ở Đức?

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga có thể đưa ra nhiều biện pháp đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa siêu vượt âm ở Đức.

Nga có thể đáp trả thế nào nếu Mỹ đặt tên lửa tầm xa ở Đức? - 1

Tên lửa Nga trong cuộc diễu binh ở Moscow (Ảnh: Sputnik).

"Động thái này của Mỹ và Đức tất nhiên sẽ vấp phải phản ứng của Nga", Mikael Valtersson, cựu quan sát viên chính trị và quân sự của Lực lượng Vũ trang Thụy Điển, nói với Sputnik, khi bình luận về kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai vũ khí ở Đức.

Ông Valtersson tin rằng Nga có thể bắt đầu đáp trả bằng cách triển khai "các tên lửa lưỡng dụng mới ở khu vực Kaliningrad và có thể cả ở Belarus".

Nhà quan sát nhận định, điều này có thể được tiếp nối bằng việc bố trí các tên lửa chiến lược của Nga tại các quân khu Moscow và Leningrad mới được tái lập gần đây.

"Các lựa chọn khác sẽ là triển khai tên lửa mới ở Viễn Đông và biến Alaska và có thể cả bờ biển phía Tây nước Mỹ trở thành mục tiêu của tên lửa tầm trung của Nga", chuyên gia nói thêm.

Theo ông Valtersson, một khả năng khác bao gồm "triển khai tên lửa tầm trung ở phía nam châu Âu và gần Mỹ", nếu Nga có thể đạt được thỏa thuận với một hoặc nhiều đồng minh truyền thống ở Bắc Phi hoặc Caribe.

Nhà quan sát quốc phòng Thụy Điển cho biết, một bước đi "rõ ràng" hơn đối với Moscow là "biến Đức trở thành mục tiêu quan trọng hơn nhiều của tên lửa Nga trong tương lai". Ông cho biết đây là viễn cảnh mà một số đảng ở Đức đã nêu ra khi họ phản đối kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ.

Ông Valtersson cảnh báo rằng, dù cuối cùng Nga hành động như thế nào, "rủi ro lớn" từ động thái của Mỹ và phản ứng đáp trả của Nga sẽ nảy sinh từ việc giảm thời gian bay của các tên lửa tầm trung đặt gần biên giới của nhau. Điều này làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ một trong hai bên sẽ đưa ra "quyết định vội vàng".

Berlin và Washington đã thông báo tên lửa hành trình của Mỹ sẽ được đặt tại Đức từ năm 2026. Việc triển khai những loại vũ khí như vậy trước đây bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này vào năm 2019.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết việc tên lửa tầm xa của Mỹ được triển khai ở Đức sẽ giúp che đậy "lỗ hổng nghiêm trọng" trong phòng thủ. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng các chính quyền tương lai của Mỹ sẽ không đảo ngược quyết định này.

Theo ông Pistorius, vì tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ "chỉ luân phiên được đưa đến Đức", nên "hoàn toàn rõ ràng" rằng Washington kỳ vọng Berlin sẽ "đầu tư vào việc phát triển và mua sắm những loại vũ khí tầm xa như vậy".

Một tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố tiết lộ các hệ thống vũ khí được triển khai tới Đức sẽ bao gồm tên lửa phòng không SM-6, có tầm bắn lên tới 460km và tên lửa hành trình Tomahawk, được cho là có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 2.500km.

Nhà Trắng cho biết "vũ khí siêu vượt âm đang phát triển" cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có "tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu".

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa mới của Mỹ ở Đức làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang và có thể gây ra sự leo thang không thể kiểm soát.

Đại sứ Antonov chỉ trích việc triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tới Đức là "mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược".

Theo Sputnik