1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cáo buộc phương Tây lôi kéo các nhà nghiên cứu vắc xin

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga cáo buộc các viện nghiên cứu phương Tây tìm cách lôi kéo các nhà khoa học phát triển vắc xin tại Nga nhưng không thành công.

Nga cáo buộc phương Tây lôi kéo các nhà nghiên cứu vắc xin - 1

Ông Alexander Gintsburg - giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamalei của Nga. (Ảnh: Tass)

“Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đã làm việc tại Viện Gamalei trong 10 năm… Bất kỳ trường đại học Mỹ hoặc châu Âu nào cũng nằm mơ mới có được các nhà nghiên cứu của chúng tôi. Và họ vẫn đang tìm cách lôi kéo các nhà khoa học (Nga). Nhưng họ không thể làm được”, Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamalei, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 16/8.

Viện Gamalei là cơ sở nghiên cứu, phát triển vắc xin ngừa Covid-19 của Nga.

Nga ngày 11/8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắc xin Covid-19 với tên gọi Sputnik V. Bộ Y tế Nga cho biết Sputnik V đã trải qua tất cả các bước kiểm tra cần thiết và đã chứng minh khả năng hình thành miễn dịch chống lại vi rút.

Sau khi phê duyệt, Nga có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng đại trà loại vắc xin Covid-19 trong một tháng tới. Ngoài ra, vắc xin này cũng sẽ phải trải qua các bước nghiên cứu hậu đăng ký trong khoảng từ 7-10 ngày. Hàng chục nghìn người dự kiến tham gia vào nghiên cứu này.

Việc Nga phát triển vắc xin Covid-19 chỉ trong 5 tháng làm dấy lên một số lo ngại trong giới chuyên gia về độ an toàn và tính hiệu quả. Tuy nhiên, ông Gintsburg nói rằng việc phát triển vắc xin Sputnik V được tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện thời của Nga.

Theo ông Gintsburg, phản ứng tiêu cực của phương Tây đối với vắc xin Covid-19 mới của Nga là điều đã được dự đoán từ trước.

“Tôi gọi đó là phản ứng tiêu cực tự nhiên của các công ty phương Tây trước sự xuất hiện của một sản phẩm (vắc xin) Nga mà họ chưa từng kỳ vọng. Vì thế, tôi nghĩ rằng chúng tôi nên phớt lờ những thứ tiêu cực như vậy”, Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamalei nhấn mạnh.

Ông Gintsburg cho biết kinh nghiệm quý giá từ việc nghiên cứu vắc xin ngừa dịch Ebola và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã giúp Nga tạo ra vắc xin ngừa Covid-19 nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng. Khoảng 20 quốc gia đã đặt hàng trước vắc xin Covid-19 của Nga.