1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga cảnh báo xung đột Ukraine có thể kéo dài hàng chục năm

Thành Đạt

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine có thể kéo dài hàng chục năm.

Nga cảnh báo xung đột Ukraine có thể kéo dài hàng chục năm - 1

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Tass).

"Cuộc xung đột này sẽ kéo dài, có thể hàng chục năm. Đó là một thực tế mới, điều kiện mới", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev tuyên bố hôm 25/5.

Theo ông Medvedev, nếu chính quyền Ukraine đương nhiệm vẫn nắm quyền, diễn biến tiếp theo sẽ là "ba năm đình chiến, hai năm xung đột và sau đó mọi thứ lặp lại".

Cùng ngày, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Belarus, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cũng cáo buộc phương Tây đang cố tình "làm mọi cách có thể để kéo dài và leo thang cuộc xung đột ở Ukraine" bằng cách tiếp tục viện trợ quân sự cho các lực lượng vũ trang của Kiev.

"Hôm nay chúng ta cùng nhau chống lại tập thể phương Tây khi họ tiến hành một cuộc chiến chống lại các quốc gia của chúng ta (Nga và Belarus)", ông Shoigu nói, đồng thời lưu ý rằng hoạt động quân sự của NATO đang diễn ra theo "hướng hiếu chiến nhất".

Theo ông Shoigu, các nước phương Tây đang gây áp lực mạnh mẽ lên chính quyền Ukraine để đạt được những thành công chiến thuật trên chiến trường. Do vậy, phương Tây tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine và điều này sẽ dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho rằng NATO đang sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine như một cái cớ để xây dựng lực lượng ở Đông Âu và triển khai vũ khí nhằm vào Nga và Belarus.

"NATO đang bổ sung lực lượng quân sự và triển khai hạ tầng quân sự, đồng thời tiến hành các hoạt động huấn luyện chiến đấu và trinh sát gần biên giới của Nhà nước Liên minh (Nga và Belarus)", ông Shoigu nói, đồng thời cho biết khối quân sự do Mỹ đứng đầu đã triển khai kế hoạch tiếp theo trong giai đoạn mở rộng của NATO và đang hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quân sự ở Đông và Trung Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng chỉ ra rằng, "những tuyên bố ngày càng hung hăng và các "sứ mệnh hạt nhân" chung của các nước NATO ở Đông Âu" nhằm thử nghiệm việc sử dụng các phương tiện mang vũ khí hạt nhân và cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ là mối đe dọa với Nga.

Theo ông Shoigu, các động thái của NATO, cùng với việc phương Tây vận chuyển uranium nghèo tới Ukraine, đang buộc Nga và Belarus phải thực hiện các biện pháp đáp trả thích hợp. Các biện pháp này bao gồm việc triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Nga trên lãnh thổ Belarus, chuyển giao hệ thống tên lửa Iskander-M, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tái trang bị cho các máy bay của Belarus để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Shoigu tuyên bố quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Nga được triển khai ở Belarus vẫn nằm trong tay Moscow.

Bộ trưởng Shoigu khẳng định, Nga và Belarus vẫn tăng cường khả năng phòng vệ tập thể và Minsk vẫn là "đồng minh trung thành và đối tác đáng tin cậy" của Moscow. Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Belarus ngày 25/5 ký thỏa thuận cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ nước láng giềng Belarus.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm