1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga không chấp nhận đóng băng xung đột với Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Điện Kremlin khẳng định, Nga sẽ đạt mọi mục tiêu thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hoặc các công cụ sẵn có khác và không chấp nhận một cuộc xung đột đóng băng.

Nga không chấp nhận đóng băng xung đột với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: TASS).

"Nga chỉ đang xem xét khả năng hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt: đảm bảo lợi ích của mình, đạt được các mục tiêu thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt, hoặc bằng các phương tiện sẵn có khác", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời câu hỏi liệu Moscow có chung quan điểm với phương Tây rằng không nên đóng băng xung đột ở Ukraine hay không.

Ông Peskov cho biết thêm, còn quá sớm để nói kế hoạch hòa bình nào do các nước đề xuất sẽ tốt hơn cho Nga hay liệu Moscow có phương án của riêng mình hay không. "Vẫn còn quá sớm để nói về điều đó. Hiện không có điều kiện tiên quyết nào cho một tiến trình hòa bình, rõ ràng là như vậy. Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục", ông nói.

Trong một diễn biến liên quan khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 24/5 khẳng định, bất kể phương Tây viện trợ vũ khí nào cho Ukraine, chúng cũng không làm thay đổi các mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow.

"Không viện trợ vũ khí nào cho Ukraine có thể tác động đến mục tiêu và nhiệm vụ mà Nga đặt ra khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt", bà Zakharova cho hay. Bà cảnh báo, viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine chỉ khiến xung đột leo thang và làm giàu thêm cho ngành sản xuất vũ khí của phương Tây.

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài 15 tháng và tiếp tục dấu hiệu leo thang. Báo Politico tuần trước dẫn lời một số quan chức và cựu quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc khả năng "đóng băng" cuộc xung đột ở Ukraine trong tương lai gần, thay vì thúc đẩy Ukraine giành được chiến thắng.

Đây được coi là giải pháp hợp lý vì không bên nào cần phải công nhận bất kỳ đường biên giới mới nào và điều duy nhất mà các bên phải nhất trí là ngừng bắn dọc theo một đường phân định", một quan chức Mỹ cho hay. Theo hướng lập luận này, một cuộc xung đột bị đóng băng sẽ ít gây tốn kém hơn cho các quốc gia phương Tây và ít thu hút sự chú ý của công chúng hơn, đồng thời giảm bớt áp lực phải hỗ trợ Kiev.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, các cuộc hòa đàm về Ukraine không nên hướng đến kịch bản đóng băng xung đột. Các lãnh đạo phương Tây cũng có chung quan điểm này. Hôm 22/5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng chỉ trích kế hoạch hòa bình chỉ nhắm đến đóng băng xung đột mà không đề cập đến việc khôi phục lãnh thổ cho Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cuối tuần trước nhấn mạnh, mọi nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine phải dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản.

Theo ông, nguyên tắc đầu tiên là mọi cuộc hòa đàm, hòa giải phải dẫn đến việc khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Một quy tắc nữa là không cho phép đóng băng xung đột. Ông Kuleba lập luận, đóng băng xung đột sẽ giúp Nga có thời gian tập hợp thêm lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn nữa.

Một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải bằng cách đưa ra các đề xuất hòa bình cho Nga và Ukraine.

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương hôm 23/5 cho biết, ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ ngừng bắn ở Ukraine. Theo ông, các bên xung đột cần thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một năm qua giữa Moscow và Kiev.

Theo TASS