Nga cảnh báo nguy cơ xung đột giữa các cường quốc hạt nhân
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga chỉ trích Mỹ và NATO tìm cách hỗ trợ Ukraine để kéo dài cuộc xung đột nhằm gây khó khăn cho Nga.
"Mỹ đang làm mọi thứ có thể để kéo dài cuộc xung đột và khiến nó trở nên bạo lực hơn", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với hãng tin Tass hôm 27/12.
Theo ông Lavrov, Lầu Năm Góc đã công khai lên kế hoạch đặt hàng cho ngành quốc phòng Mỹ trong nhiều năm tới, đồng thời liên tục nâng mức chi tiêu quân sự cho lực lượng vũ trang Ukraine và yêu cầu các thành viên khác trong liên minh chống Nga cũng thực hiện điều tương tự.
"Chính quyền Kiev đang được trang bị các loại vũ khí mới nhất, thậm chí nhận các mẫu vũ khí chưa được trang bị cho các lực lượng quân sự phương Tây, dường như để xem chúng sẽ hoạt động như thế nào trong quá trình tác chiến", ông Lavrov nói thêm.
Ngoại trưởng Nga cho biết kể từ tháng 2, Kiev đã được hỗ trợ quân sự hơn 40 tỷ USD, tương đương với ngân sách quốc phòng của nhiều nước châu Âu.
Ông Lavrov cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO đang tìm cách đánh bại Nga trên chiến trường.
"Các hành động của tập thể phương Tây và (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky đã xác nhận bản chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng Ukraine. Rõ ràng, mục tiêu chiến lược của Mỹ và các đồng minh NATO là giành chiến thắng trước Nga trên chiến trường hòng làm suy yếu, thậm chí phá hủy nước Nga. Các đối thủ của Nga sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu này", ông Lavrov nói thêm.
Theo nhà ngoại giao Nga, Mỹ là bên hưởng lợi từ "cuộc xung đột nóng" khi tìm cách tận dụng cuộc xung đột cả về kinh tế và chiến lược. "Washington cũng đang giải quyết một mục tiêu địa chính trị quan trọng là phá vỡ mối ràng buộc truyền thống giữa Nga và châu Âu, khiến các vệ tinh châu Âu của họ càng phụ thuộc nhiều hơn vào họ", ông Lavrov nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc phương Tây không ngừng thổi phồng "những suy đoán vô trách nhiệm rằng Nga đang trên bờ vực sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine".
"Chúng ta đang nói về những vấn đề hoàn toàn khác ở đây - đường lối chính trị của phương Tây, nhằm kiềm chế hoàn toàn Nga, là cực kỳ nguy hiểm. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân", ông Lavrov cảnh báo.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Moscow đã nhiều lần tuyên bố không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và "cuộc chiến này không bao giờ được nổ ra". Ông cũng cho biết Nga "vô cùng lo ngại trước những luận điệu tuyên truyền ở Mỹ và phương Tây liên quan đến vấn đề vũ khí hạt nhân".
Theo ông Lavrov, khi nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, các quan chức phương Tây đề cập đến "một số trích dẫn chưa được xác minh từ chính quyền Nga, tuy nhiên thực sự không có tuyên bố nào như vậy được đưa ra".
Phương Tây nhận định mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine tăng lên sau khi Nga cho sáp nhập 4 vùng ly khai của Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 10 cảnh báo thế giới đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân lớn nhất kể từ năm 1962, trong khi Tổng thống Vladimir Putin ngụ ý có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu "toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa".
Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng ở Nga, "vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân". Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của Nga, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.