1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk của Nga
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga bác tối hậu thư, ông Putin tuyên bố không đàm phán với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga tuyên bố Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định không thể có bất kỳ cuộc đàm phán nào với Ukraine sau cuộc tấn công của Kiev vào vùng Kursk.

Nga bác tối hậu thư, ông Putin tuyên bố không đàm phán với Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

"Tổng thống (Putin) đã nói rất rõ ràng rằng sau các cuộc tấn công, hoặc thậm chí là xâm nhập, vào khu vực Kursk, bất kỳ cuộc đàm phán nào đều không thể diễn ra", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn với chương trình Moscow.Kremlin.Putin trên kênh truyền hình Rossiya-1 hôm 19/8.

Ông Lavrov cũng bác bỏ thông tin về các cuộc tiếp xúc trước khi diễn ra các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine do Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Ông khẳng định đây chỉ là tin đồn.

"Còn về những tin đồn lan truyền trong thời gian gần đây về một số cuộc tiếp xúc bí mật để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian về các vấn đề liên quan đến cơ sở năng lượng của Nga và Ukraine, hoặc tin đồn rằng nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ của chúng ta đang có kế hoạch trở thành trung gian trong lĩnh vực an ninh lương thực, nhưng đặt trong bối cảnh đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đen, cần hiểu mục tiêu thực sự của những kế hoạch như vậy", ngoại trưởng Nga nói thêm.

"Điều này được thực hiện sau hội nghị Burgenstock, nơi đưa ra quyết định thành lập ba nhóm làm việc về năng lượng, về lương thực trong bối cảnh đảm bảo an ninh hàng hải và về các vấn đề nhân đạo (trao đổi tù binh...)", ông Lavrov nói thêm.

Theo nhà ngoại giao cấp cao của Nga, toàn bộ quá trình trong khuôn khổ hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ là không thể chấp nhận được đối với Nga, vì sự kiện này nhằm thúc đẩy công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky như một tối hậu thư.

"Tiến trình Burgenstock không thể chấp nhận được đối với chúng tôi, vì mục tiêu duy nhất là thúc đẩy tối hậu thư dưới danh nghĩa "công thức Zelensky"", ông Lavrov nhấn mạnh.

Hội nghị đầu tiên về Ukraine được tổ chức vào ngày 15-16/6 tại Burgenstock, Thụy Sĩ theo yêu cầu của Kiev. Nga không được mời tham dự hội nghị. Phái đoàn của hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc cũng vắng mặt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng hội nghị hoàn toàn thất bại và những sự kiện như vậy không thể là cơ sở cho hòa bình lâu dài.

Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev.

Moscow coi các điều kiện này của Kiev là phi thực tế. Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, nhưng với điều kiện phải dựa trên tình hình thực tế, xét đến các lợi ích an ninh của Nga.

Tổng thống Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 18/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga và Ukraine chưa tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán "trực tiếp hoặc gián tiếp" nào. Theo bà Zakharova, Moscow và Kiev đã không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào kể từ mùa xuân năm 2022, ngoại trừ việc trao đổi tù nhân do bên thứ ba hòa giải tạo điều kiện. 

Bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra nhằm bác bỏ thông tin trước đó của báo Washington Post rằng, cuộc tấn công của Ukraine vào vùng Kursk của Nga gần đây đã làm chệch hướng các đối thoại bí mật do Qatar làm trung gian giữa Moscow và Kiev.

Sau gần 2 tuần đột kích, Ukraine thông báo đã kiểm soát hơn 1.150km2 lãnh thổ Nga và bắt giữ hơn 100 tù binh.

Tổng thống Putin chỉ trích cuộc đột kích của Ukraine là hành động "khiêu khích nghiêm trọng" và sẽ bị đáp trả thích đáng. Chủ nhân Điện Kremlin cũng nêu rõ, Nga sẽ không đàm phán khi Ukraine tấn công vào dân thường và các hạ tầng dân sự.

Theo Tass