1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ngã ba đường

Bằng cách cáo buộc nhóm dân quân người Kurd ở Syria đứng sau vụ đánh bom xe đẫm máu ở thủ đô Ankara hôm 17-2, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt chính quyền Tổng thống Barack Obama trước lựa chọn khó khăn: hoặc đồng minh NATO này hoặc kẻ thù của họ.

Nhóm dân quân nói trên có tên Đơn vị Bảo vệ nhân dân (YPG), cánh vũ trang của Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD). YPG hiện là lực lượng trên bộ quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Tuy nhiên, YPG nhanh chóng trở thành cái gai trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ bởi mối liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang phát động cuộc nổi dậy trong lòng nước này. Bất chấp phản đối của Mỹ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nã pháo vào những vị trí của YPG ở Syria trong những ngày gần đây để ngăn lực lượng này giành thêm lãnh thổ và lập ra “khu tự trị” dọc biên giới 2 nước.

Vụ tấn công càng thôi thúc giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cứng rắn hơn. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng Mỹ đã sai lầm khi phân biệt các nhóm người Kurd bởi những nhóm này “có liên hệ với nhau” và đều là “khủng bố”. “Những ai trực tiếp hoặc gián tiếp hậu thuẫn kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ không còn là bạn của Thổ Nhĩ Kỳ” - Thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng gửi thông điệp mạnh đến Washington.

Các tay súng của nhóm YPG – lực lượng đang khiến quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng Ảnh: AP
Các tay súng của nhóm YPG – lực lượng đang khiến quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng Ảnh: AP

Mỹ đến giờ vẫn muốn duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ phức tạp nói trên. Họ tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, lên án vụ đánh bom nhưng vẫn nói còn quá sớm để xác định thủ phạm thực sự. Một số nhà phân tích cũng cho rằng không có lý do gì để YPG gây ra vụ tấn công bởi làm thế có thể khiến Mỹ quay lưng. Trong nỗ lực xoa dịu những cái đầu nóng ở Ankara, ông Obama hôm 19-2 đã gọi điện trấn an ông Erdogan.

Ông Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Nghiên cứu Washington về chính sách Cận Đông, nhận định Mỹ đang khó xử. “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công toàn diện PYD, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ bị tổn thương và đây chính xác là điều PKK muốn” - ông Cagaptay cho biết. Chưa hết, nếu Ankara cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng YPG đứng sau vụ tấn công, Washington sẽ phải dứt khoát lựa chọn xem ai mới là đồng minh chính trong cuộc chiến chống IS ở Syria.

Một số nhà phân tích cho rằng ngã ba đường này xuất phát từ chính thiếu sót trong chính sách Trung Đông của Mỹ hiện nay: Chủ yếu tập trung vào mục tiêu xóa sổ IS mà sao nhãng bức tranh toàn cảnh ở một khu vực vốn chồng chéo quá nhiều cuộc xung đột, nổi dậy, chiến tranh ủy nhiệm, những chính quyền không được lòng dân…

Tờ Pittsburgh Post-Gazette (Mỹ) nhận định việc Washington tìm kiếm lực lượng nước ngoài để chiến đấu thay họ ở những điểm nóng, như YPG, là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, một khi mục tiêu chính của người Kurd là lập ra nhà nước độc lập bao gồm một phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria - cộng với việc PYD gần đây đẩy mạnh hợp tác với Nga - sẽ khó có chuyện Ankara khoanh tay đứng nhìn.

Một số chuyên gia nhận định nã pháo chỉ là bước đầu, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ mạnh tay hơn tại Syria.

Vì thế, nếu xử lý không cẩn thận, Mỹ có nguy cơ mang đến Thổ Nhĩ Kỳ tình trạng hỗn loạn như ở Afghanistan, Iraq, Libya, Syria.

Mở rộng ra, sự rạn nứt Mỹ - Thổ không chỉ kìm hãm nỗ lực chống IS mà còn làm phức tạp và kéo dài cuộc xung đột ở Syria bởi 2 nước này thuộc nhóm phản đối Tổng thống Bashar al-Assad mạnh mẽ nhất.

Theo Phương Võ

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm