1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga, Anh "khẩu chiến" về vụ bắn cảnh cáo, thả bom xua tàu chiến

Minh Phương

(Dân trí) - Nga và Anh rơi vào căng thẳng ngoại giao và quân sự sau khi Moscow cáo buộc tàu chiến của London vi phạm hải phận, buộc họ phải bắn cảnh cáo và thả bom để xua đuổi.

Nga công bố video máy bay áp sát tàu chiến Anh

Nga, Anh khẩu chiến về vụ bắn cảnh cáo, thả bom xua tàu chiến - 1

Nga nói đã bắn cảnh cáo tàu khu trục HMS Defender của Anh với cáo buộc tàu này vi phạm vùng biển Nga ngày 23/6 (Ảnh: Sputnik).

Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/6 cáo buộc tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh xâm phạm vùng biển của Nga gần bán đảo Crimea trên Biển Đen. Quân đội Nga cho biết, do tàu chiến Anh phớt lờ cảnh báo, tàu chiến của Nga buộc phải bắn cảnh cáo, đồng thời một máy bay chiến đấu của Nga cũng thả 4 quả bom phân mảnh gần tàu Anh để buộc nó rời đi.

Bộ Ngoại giao Nga gọi hành động của tàu chiến Anh xâm phạm vùng biển nói trên là "hành động khiêu khích trắng trợn" và cho biết sẽ triệu tập Đại sứ Anh ở Moscow để phản đối.

Ngay lập tức, phía Anh đã lên bác bỏ những cáo buộc trên. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, tàu HMS Defender khi đó đang trong hải trình từ Odessa (Ukraine) đến Gruzia qua Biển Đen và "sử dụng hành lang phân làn giao thông được quốc tế công nhận".

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Anh cũng bác bỏ thông tin nói rằng Nga bắn cảnh cáo HMS Defender và thực tế đó chỉ là những phát súng trong một cuộc "tập bắn" đã được Moscow thông báo từ trước, ngoài ra cũng không có chuyện máy bay chiến đấu Nga thả 4 quả bom phân mảnh cản đường tàu chiến Anh.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Không đúng khi nói rằng tàu chiến Anh bị bắn cảnh cáo hay vi phạm vùng biển Nga".

Vụ việc càng gây tranh cãi hơn khi sau đó, một phóng viên của BBC có mặt trên tàu khu trục Anh cáo buộc quân đội Nga "quấy rối" tàu HMS Defender. Theo phóng viên này, lực lượng của Nga đã bám sát tàu HMS Defender khi nó di chuyển gần bán đảo Crimea. Hai tàu tuần duyên của Nga có thời điểm bám theo tàu Anh ở cự ly chỉ khoảng 100 m, trong khi khoảng 20 máy bay, trực thăng quần thảo phía trên.

Theo chuyên gia quân sự, cho dù tường thuật sự kiện của Anh đúng hay của Nga đúng, sự việc cho thấy căng thẳng leo thang giữa Nga và các nước phương Tây. Mối quan hệ này vốn rất căng thẳng kể từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, các nước phương Tây không công nhận điều đó và vẫn coi Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine.

Mối quan hệ giữa quân đội Anh và Ukraine có xu hướng xích lại gần nhau hơn khi đầu tuần này hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác hải quân, theo đó, hai bên sẽ cùng sản xuất 8 tàu chiến cỡ nhỏ và lập một căn cứ hải quân mới ở Biển Đen.

Trong khi đó, Anh và Nga liên tục "nắn gân" nhau với việc máy bay quân sự Nga bị cáo buộc liên tục áp sát không phận Anh và đưa tàu chiến qua eo biển Anh. Mặc dù vậy, việc bắn cảnh cáo được cho là rất hiếm.

Mặt khác, Nga cáo buộc các nước đồng minh NATO tăng cường hiện diện quân sự gần Nga. Trong tuần này, các nước NATO dự kiến sẽ tiến hành một cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen. Vài giờ trước khi xảy ra lùm xùm liên quan đến tàu HMS Defender của Hải quân Anh, Đại sứ quán Nga ở Washington đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh hủy cuộc tập trận.