Nếu chỉ diệt IS, “khủng bố… ôn hòa” sẽ phá nát Syria
Trong khi Moscow và Washington đang tiếp tục mâu thuẫn gay gắt về cái gọi là “đối lập ôn hòa” thì Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho khủng bố.
Nga tiếp tục không kích kể cả khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn
Vừa qua, Moscow tuyên bố, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải xác định rõ ràng về khái niệm “đối lập ôn hòa” do Mỹ đưa ra. Về phần mình, Nga là nước đầu tiên trao cho Liên minh quân sự 64 nước của phương Tây cả danh sách khủng bố lẫn danh sách của phe đối lập.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, không chỉ giữa Moscow và Washington mà ngay cả trong liên minh do Mỹ lãnh đạo cũng vẫn bất đồng về vấn đề này.
Đến nay, cơ bản là Moscow và Washington mới chỉ thống nhất ở điểm, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) là chắc chắn sẽ bị coi là khủng bố. Còn tổ chức Jabhat Al-Nusra (Mặt trận Al-Nusra - một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria) thì chưa ngã ngũ.
Hai tổ chức này vừa qua đã không được phép tham gia cuộc đàm phán giữa chính quyền Damascus của ông Bashar al-Assad và các nhóm đối lập Syria. Như vậy, chúng sẽ không chịu sự chế ước của thỏa thuận ngừng bắn được ký kết cuối tháng 1-2016 (nếu đạt được đồng thuận).
Moscow muốn đưa rất nhiều phe nhóm đối lập khác vào danh sách khủng bố, bao gồm không ít các tổ chức vũ trang đối lập trước đây đã từng tuyên thệ trung thành hay liên kết với IS hoặc al-Qaeda. Đối với Nga, tất cả những phe phái này đều là khủng bố nhưng Mỹ và đồng minh lại không cho là như vậy.
Cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đang diễn biến vô cùng phức tạp
Vừa qua, tại hội nghị đối lập Syria được tổ chức ở Riyadh - thủ đô của Saudi Arabia, “Phong trào Ahrar al-Sham” (Nhân dân Syria tự do) - một nhóm khủng bố rất mạnh khác đã được Saudi Arabia mời vào làm nòng cốt trong tổ chức chính trị của các phe phái đối lập ở Syria mang tên “Liên minh dân tộc Syria” (NC).
Ngoài ra, theo thông tin mới nhất, Mỹ và một số quốc gia vùng Vịnh mà đầu tàu là Qatar và Saudi Arabia đã hối thúc Mặt trận Al-Nusra tách ra khỏi tổ chức khủng bố al-Qaeda, nhằm đưa nhóm khủng bố này trở thành một phe đối lập rất mạnh ở Syria.
Đây là điều hết sức nguy hiểm mà Nga đang cố tránh để ngăn khủng bố đội lốt các tổ chức “đối lập ôn hòa”.
Chính vì thế, trong thời gian qua, ngoài tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ra, Nga đã không kích tất cả những phe nhóm nào chỉ chăm chăm chống chính quyền Damascus mà không chịu bắt tay chống IS, nên Moscow đã bị Mỹ tố cáo là tấn công các phe nhóm “đối lập ôn hòa” ở Syria.
Nga lo ngại rằng, rất có thể là những tổ chức khủng bố ở Syria trong thời gian tới sẽ được phương Tây khoác cho cái áo “phe đối lập ôn hòa” để thoát khỏi sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế và có thể đường hoàng trở thành những tổ chức chính trị, một ngày kia có thể sẽ lên nắm quyền ở nước này.
Binh lính thuộc liên quân giữa Quân đội Syria tự do FSA và lực lượng người Kurd Syria
Chính vì thế, Moscow cương quyết buộc Washington phải làm rõ khái niệm “đối lập ôn hòa” nhằm xác định rõ đối tượng tác chiến. Tuy nhiên, Mỹ vẫn buộc tất cả vào 1 bị, gom tất cả các phe phái chống chính phủ Syria vào nhóm này, bất kể chúng có bắt tay với al-Qaeda hay IS hay không.
Hiện nay, có một số nhóm chống chính phủ lớn bị Nga và Syria xác định là khủng bố và phải tiêu diệt nhưng vẫn được Mỹ và phương Tây bảo vệ. Điều này khiến 2 bên vẫn bất đồng quan điểm, làm cho tiến trình đàm phán sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, việc Nga đưa ra tuyên bố trên cho thấy, Moscow sẽ không thỏa hiệp với Washington về vấn đề này, kể cả việc Mỹ đưa các nhóm này vào liên minh đối lập ở Syria thì Nga vẫn sẽ đánh. Do đó, nếu Nhà Trắng không chịu nhượng bộ Điện Kremlin thì thỏa thuận ngừng bắn sẽ khó mà đạt được.
Trong khi Moscow và Washington đang tiếp tục mâu thuẫn gay gắt về cái gọi là “đối lập ôn hòa” thì các nhóm liên kết với al-Qaeda ở Syria tiếp tục nhận được vũ khí, bao gồm cả tên lửa TOW do Mỹ chế tạo, từ các nhóm phiến quân được Washington và các nước vùng Vịnh cung cấp.
Theo các nguồn cung cấp tin cho hãng thông tấn Fars News của Iran, nhóm vũ trang đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA) lại tiếp tục cung cấp vũ khí Mỹ cho các nhóm khủng bố, bao gồm al-Nusra Front (Mặt trận al-Nusra, tức chi nhánh al-Qaeda ở Syria), trong đó có cả tên lửa chống tăng TOW.
Trước đây, quân đội Mỹ cũng có một chương trình huấn luyện chiến đấu và cung cấp vũ khí cho nhóm phiến quân FSA, nhưng chương trình trị giá 500 triệu USD này đã thất bại thảm hại, khi một số lớn trong đó đã đào thoát sang al-Nusra, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“FSA đang làm việc sát cánh với các nhóm liên kết với al-Qaeda và đang cung cấp cho các nhóm này vũ khí do Mỹ chế tạo, mà trước đó được chuyển đến qua các nước vùng Vịnh như Arab Saudi và Qatar, để tiếp tục cuộc chiến chống lại quân đội Syria” - hãng tin Far News thông báo.
Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố Syria, kể cả al-Qaeda
Theo các báo cáo trước đó cũng của hãng tin Iran, vào hồi tháng 3 năm nay, al-Nusra Front và FSA cùng với phong trào Ahrar al-Sham (Nhân dân Syria tự do) đã thành lập một liên minh có tên gọi là Jaish al-Fatah trong tiếng Arab, có nghĩa là “Đội quân Chinh phục” (tiếng Anh là Army of Conquest).
Thông qua mối dây liên kết này, các nhóm khủng bố al-Qaeda và những kẻ tuyên thệ trung thành với chúng, gồm khoảng 15 nhóm trong liên minh đã được bổ sung nhiều vũ khí trang bị, do đó liên tiếp kháng cự thành công các chiến dịch phản công của quân đội Syria.
Theo ước tính của Far News, Arab Saudi đã gửi trực tiếp 500 tên lửa TOW và nhiều vũ khí khác cho Al-Nusra trong tháng 10, hỗ trợ các tổ chức khủng bố gốc Sunni, coi những người Hồi giáo dòng Shia là “những kẻ dị giáo” này, ngày càng thêm mạnh mẽ.
Sở dĩ Nga muốn tiêu diệt “Đội quân Chinh phục” bởi đây là một liên minh giữa al-Qaeda và các nhóm đối lập Syria theo dòng Sunni, chống chính phủ người Alawite của Tổng thống Bashar al-Assad (một nhánh của dòng Shia của người Shiite), có quân số lên tới hơn 70.000 quân.
Các tay súng thuộc nhóm “đối lập ôn hòa” Ahrar al-Sham
Nòng cốt trong liên minh này là Quân đội Syria tự do FSA với quân số lớn nhất là gần 35.000 quân, Ahrar al-Sham có gần 15.000 quân và Mặt trận Al-Nusra là hơn 10.000 quân.
Trong năm nay, liên minh này đánh chiếm toàn bộ tỉnh Idlib và cả khu vực tây bắc, khiến khu vực kiểm soát của quân chính phủ Syria co lại đáng kể. Đội quân này đe dọa nghiêm trọng khu vực ven Địa Trung Hải, nơi ông Assad có sự hậu thuẫn mạnh nhất và các căn cứ quân sự của Nga trong khu vực này.
Do đó, hành động quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria, của cả Mỹ và Nga thực hiện có nguy cơ “thất bại về mặt chiến lược”, nếu chỉ mỗi mình IS bị liệt vào danh sách khủng bố và bị đánh bại, còn các nhóm đối lâp khác, kể cả al-Queda thoát nạn.
Dù các mục tiêu ngắn hạn của các nhóm đối lập Syria có thể khác so với IS, khi chúng chỉ tìm cách phế truất chế độ Bashar al- Assad, nhưng nguy cơ thì giống nhau là các chiến binh của tổ chức và nhóm thánh chiến Salafi sẽ mở rộng địa bàn và xâu xé lãnh thổ Syria.
Thành viên tổ chức Mặt trận al-Nusra tại thành phố Aleppo, Syria
15 nhóm khủng bố sẽ hợp lực thay thế IS
Theo thông tin mới nhất, 15 nhóm khủng bố của “Đội quân Chinh phục”, trong đó nòng cốt là Mặt trận al-Nusra có liên hệ với al-Qaeda và Ahrar al-Sham (chung ý thức hệ với IS) đang lên kế hoạch thành lập một quốc gia riêng biệt và sẵn sàng thay thế IS nếu chúng bị tiêu diệt.
Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo phát hành ngày 20-12 bởi Trung tâm Tôn giáo và Địa chính trị do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thành lập.
Báo cáo này cho biết, tại Syria hiện có khoảng trên 65.000 chiến binh thánh chiến của 15 tổ chức không thuộc IS, trong đó chỉ cần 48.000 tên thuộc 4 tổ chức khủng bố lớn như Mặt trận al-Nusra, Ahrar al-Sham, FSA…, đã đủ sức để kiểm soát lãnh thổ và xây dựng nhà nước Hồi giáo riêng biệt.
Hiện nay, nguy hiểm nhất là al-Nusra và Ahrar al-Sham, tuy quân số ít hơn nhiều so với FSA. Trong kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao FSA lại không bị coi là quá nguy hiểm, mà mối đe dọa lớn nhất đối với Syria là 2 tổ chức Mặt trận al-Nusra và Ahrar al-Sham.
Theo Thiên Nam
Đất Việt