Nepal bãi bỏ chế độ quân chủ
(Dân trí) - Chính phủ Nepal đã đồng ý bãi bỏ nền quân chủ đã có từ hàng thế kỷ nay tại quốc gia Nam Á theo một thoả thuận chính trị với cựu phiến quân. Tuy nhiên, quyết định này sẽ chỉ có hiệu lực sau cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Theo thoả hiệp trên, Nepal sẽ trở thành một quốc gia cộng hoà sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào năm tới và quốc hội lập hiến được thành lập.
3 tháng trước, Nepal đã rơi vào một cuộc hỗn loạn chính trị khi lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) chống lại chế độ quân chủ, lực lượng đã kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ vào năm ngoái, rút khỏi chính phủ và yêu cầu tuyên bố Nepal trở thành quốc gia cộng hoà ngay lập tức.
Thoả thuận mới nhất đã được các đảng phái chính tại Nepal ký kết, trong đó có PLA. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể để PLA tái tham gia chính phủ chưa được ấn định.
Tuyên bố của 6 đảng cầm quyền và PLA ghi rõ: “Nepal sẽ trở thành một quốc gia cộng hoà và quyết định này sẽ được áp dụng sau cuộc họp đầu tiên của quốc hội lập hiến”.
Các cuộc bầu cử nhằm chọn lựa 601 ghế vào quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2008.
Uy tín của chế độ quân chủ tại Nepal đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ sau cái chết của Quốc vương Birendra, người được quần chúng yêu mến, trong cuộc thảm sát hoàng cung tàn khốc vào năm 2001.
Người em của Vua Birendra là Gyanendra đã lên nắm quyền năm 2001 nhưng những nỗ lực của ông nhằm giải quyết tình trạng nổi loạn đã khiến tình hình đất nước thêm xấu đi. Vua Gyanendra đã mất sự ủng hộ của dân chúng vào năm 2005 khi ông giải tán chính phủ, thâu tóm toàn bộ quyền lực và chỉ từ bỏ sau các cuộc biểu tình rầm rộ.
PLA đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn sau khi Vua Gyanendra chấm dứt quyền lãnh đạo trực hồi tháng 4/2006 và phục hồi quốc hội.
Các đảng chính trị - khi đó đứng về phía đối lập và giờ đây đang có mặt trong chính phủ - đã hứa sẽ hợp tác với PLA để đưa họ lại chính phủ.
Cuộc khủng hoảng chính trị diễn ra giữa lúc căng thẳng sắc tộc và tôn giáo gia tăng khi các nhóm địa phương đấu tranh để khẳng định quyền lực của họ trước bầu cử. Hơn 13.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nổi loạn kéo dài hàng thập kỷ tại Nepal.
VTH
Theo BBC