1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

NATO và Nga tiến sát miệng hố xung đột?

Trong một động thái được nhìn nhận là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các thành viên (NATO ở Baltic, ngày 9-3, Mỹ đã chuyển hàng trăm đơn vị khí tài quân sự và triển khai 3.000 binh lính tham gia một cuộc tập trận kéo dài 3 tháng mang tên Atlantic Resolve.

Lực lượng NATO và đồng minh tại Latvia, Lithuania, Estonia tham gia cuộc tập trận này và theo một nguồn tin, những trang thiết bị quân sự tham gia diễn tập sẽ được trao lại cho các quốc gia sở tại sau khi binh sĩ của Sư đoàn Bộ binh số 3 (Mỹ) tham gia tập trận trở về căn cứ.
 
Estonia, Latvia và Litva, trở thành thành viên NATO và Liên minh Châu Âu (EU) từ năm 2004, nhưng, cả ba đều được xem là khu vực "an toàn" sau  Liên Xô đổ vỡ nên sở hữu rất ít khí tài quân sự. Sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm ngoái cùng cuộc khủng hoảng Ukraine dường như đã khiến NATO lo lắng và quan tâm hơn tới các quốc gia ở khu vực này.
 
Trực thăng UH-60M Black Hawk được thông báo tham gia cuộc tập trận Atlantic Resolve
Trực thăng UH-60M Black Hawk được thông báo tham gia cuộc tập trận Atlantic Resolve
 
Quan hệ Nga - Mỹ - Liên minh Châu Âu đang rơi vào một vòng xoáy đối đầu nghiêm trọng kể từ sau Chiến tranh lạnh khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ. Và sau khi bán đảo Crimea trở lại Nga, phương Tây đã cắt đứt quan hệ và không ngớt cáo buộc Mátxcơva can dự vào tình hình ở Ukraine.
 
Bên cạnh những đòn trừng phạt về kinh tế, NATO không ngừng gia tăng sự hiện diện quân sự tại một số quốc gia có biên giới với Nga cũng như một số quốc gia vùng Baltic: Latvia, Lithuania và Estonia. Tổ chức quân sự này còn liên tiếp mở các cuộc tập trận và "gia cố" tường phòng thủ ở sườn phía Đông Châu Âu với một lực lượng mũi nhọn gồm 5.000 binh lính và các trung tâm chỉ huy tại các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan, Romania.
 
Sau năm 2014, Nga không thể không để mắt tới việc NATO thay đổi một loạt các khu vực đóng quân ở Đông Âu với chiều hướng gia tăng. Và dù cố tránh can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine thì bằng cách này hay cách khác Mỹ và phương Tây vẫn cho thấy một cuộc đối đầu chưa hồi kết với Mátxcơva.
 
Trong bối cảnh không gây chiến trực tiếp thì tập trận được cho là một trong những biện pháp răn đe và cũng có thể xem như một thông điệp cứng rắn gửi tới "đối phương". Một quan chức cao cấp Lầu Năm Góc tiết lộ tham vọng của Mỹ là mở rộng các hoạt động quân sự từ Baltic đến Biển Đen. Bởi các nước Romania, Bulgaria đã đủ tạo ra một "cánh Nam"; trong khi Mỹ cũng có thể lôi kéo CH Czech, Georgia vào những hành động tương tự.
 
Hơn thế, việc NATO liên tiếp điều quân, tập trận đã không vô tình để lộ chiến lược với một nước Nga không muốn từ bỏ vị thế vừa đạt được trong ngót một thập kỷ qua. Những gì đang diễn ra tại Biển Đen và Baltic cho thấy các bên đang tiến sát đến miệng hố xung đột và rất có thể "thùng thuốc súng" sẽ bùng nổ nếu quá giới hạn chịu đựng của Mátxcơva.
 
Binh sĩ Nga tham gia một cuộc tập trận tại tỉnh Stavropol
Binh sĩ Nga tham gia một cuộc tập trận tại tỉnh Stavropol
 
Vì thế, không có gì lạ khi cuối năm ngoái Nga đã công khai NATO là mối đe dọa quân sự số 1; đồng thời tuyên bố sẽ nâng cao khả năng sử dụng vũ khí chính xác ở quy mô rộng hơn để ngăn chặn sự gây hấn, xâm lược của thế lực nước ngoài. Đây là hai nội dung chính trong học thuyết quân sự mới của Nga được Tổng thống Vladimir Putin ký ngày 26-12-2014.
 
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nhận định: Các cuộc tập trận tại Baltic, Ba Lan cũng như Biển Đen là mối đe dọa với Nga. Nhà quân sự Mátxcơva cũng cho rằng các "đồng minh" đang bỏ qua phương thức ngoại giao và Mỹ, Liên minh Châu Âu đang lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để tiến gần hơn biên giới của xứ Bạch Dương.
 
Nhưng, nước Nga không phải một đối thủ dễ chơi, lập tức đã có những cuộc tập trận "đáp lễ" tại các vùng nhạy cảm. Ví như trong cuộc tập trận hải quân của phương Tây ở Biển Đen hôm 6-3 vừa qua, Mátxcơva đã lấy chính những tàu chiến này làm mục tiêu giả định cho một cuộc tập trận phản ứng nhanh của các lực lượng tấn công.
 
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ, cuộc đối đầu giữa Mỹ, Liên minh Châu Âu với Nga tưởng không dừng lại ở cuộc chiến kinh tế. Sự hiện diện quân sự ở mức độ chưa từng có tại các khu vực xung quanh Nga dự báo độ lạnh trong quan hệ phương Tây và Nga sẽ còn tụt sâu.
Theo Thùy Dương
Hà Nội mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm