1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thượng đỉnh NATO - phép thử sự đoàn kết của phương Tây

NATO vừa công bố kế hoạch điều quân tới sườn phía Đông của khối nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ Nga.

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được triệu tập ở Warsaw (Ba Lan) ngày 8/7 sẽ là một cuộc họp quan trọng khác thường bởi mối quan hệ của phương Tây với Nga gần đây đã xấu đi rất nhiều.

Giờ đây, sau cuộc bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) của Anh, được gọi là “Brexit”, hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw đang trở thành một phép thử quyết định đối với sự gắn kết của liên minh các nước Phương Tây này, bởi khối này phải đưa ra các quyết định khó khăn và có thể sẽ đầy chia rẽ, nhằm củng cố khả năng răn đe của phương Tây với Nga.

Nga phản ứng cứng rắn

Tại Warsaw, NATO sẽ xác nhận quyết định triển khai bốn tiểu đoàn đa quốc gia, khoảng 1.000 người mỗi tiểu đoàn, tại Ba Lan và các quốc gia Baltic. Liên minh này cũng sẽ điều động thêm các xe tăng và pháo đến khu vực này. Những hoạt động triển khai quân sự này nhằm phát đi một thông điệp mạnh mẽ với Nga, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine.

Giới phân tích quân sự hầu như không nghi ngờ việc Nga có đủ khả năng đánh bại những tiểu đoàn mới này và chiếm đóng các quốc gia Baltic, nếu Nga lựa chọn phương án tấn công. Tuy nhiên, các hoạt động triển khai quân sự của NATO lại mang ý nghĩa là để “giăng bẫy”, với thông điệp rằng nếu Nga lựa chọn tấn công, họ sẽ bị sa vào cuộc xung đột quy mô lớn với toàn bộ liên minh NATO. Logic quân sự này khiến người ta không thể không nhớ tới Chiến tranh Lạnh.

Một cuộc họp tại trụ sở NATO tại Brussels. (Nguồn: Politico)
Một cuộc họp tại trụ sở NATO tại Brussels. (Nguồn: Politico)

Phản ứng của Nga trước việc NATO tăng cường sự hiện diện quân sự ở các nước Baltic vẫn rất cứng rắn. Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã triển khai các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, xe tăng và các binh sĩ mới đến Kaliningrad – vùng lãnh thổ của Nga giáp với Ba Lan và Lithuania. Chính phủ các nước NATO đang lo ngại Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân tầm ngắn ở Kalingrad sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw kết thúc.

Như vậy, hội nghị tại Warsaw và kết quả cuộc họp sẽ đặt ra một phép thử thực sự với nhuệ khí của liên minh phương Tây này. Thủ tướng Anh David Cameron chắc chắn sẽ muốn chứng minh rằng Anh vẫn là một cường quốc “hào phóng” bởi họ đã quyết định nhận một phần gánh nặng của quốc phòng châu Âu. Cam kết của Anh về việc sẽ dẫn đầu một trong bốn tiểu đoàn của NATO, hiện đang được triển khai ở các nước Baltic và Ba Lan chắc chắn sẽ phát đi một thông điệp quan trọng.

Tính gắn kết bị nghi ngờ

Tuy nhiên, vẫn còn một quan ngại rằng cuộc bỏ phiếu Brexit vừa qua phản ánh tâm lý muốn “thu mình” của các cử tri Anh. Hơn nữa, nếu Anh đang đối mặt với sự giảm tốc kinh tế mạnh mẽ hoặc một cuộc suy thoái, việc duy trì chi tiêu cho quốc phòng ở mức độ hiện nay có thể sẽ rất khó khăn.

Những cam kết của Đức và Mỹ nhằm xây dựng một khối NATO mạnh mẽ cũng sẽ phải được nhấn mạnh. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang bị cáo buộc đã “phủi tay” khỏi Trung Đông và nhìn chung đang giảm bớt những cam kết với an ninh toàn cầu. Sự nổi lên của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump cũng đã làm dấy lên những lo ngại về chủ nghĩa cô lập “manh nha” của Mỹ. Trong bối cảnh này, cam kết chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng ở Đông Âu của Nhà Trắng hiện đang được hoan nghênh.

Nga hiểu rằng, nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của Phương Tây tham gia cuộc họp ở Warsaw sắp tới đang chuẩn bị mãn nhiệm - trong số đó có Thủ tướng Cameron và Tổng thống Obama. Còn vị thế của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng không còn chắc chắn.

Trong bối cảnh bất ổn chính trị và chiến lược, việc hội nghị thượng đỉnh NATO thể hiện được sự đoàn kết, tính gắn kết và uy tín của phương Tây là điều vô cùng quan trọng.

Theo FT

Thế giới và Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm