1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điện Kremlin: Hiện tại, không thể giải quyết xung đột Ukraine qua đàm phán

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong bối cảnh hiện tại, cuộc xung đột ở Ukraine không thể giải quyết thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao.

Điện Kremlin: Hiện tại, không thể giải quyết xung đột Ukraine qua đàm phán - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: AP).

Trong cuộc trao đổi với hãng tin Interfax hôm 19/9, khi được hỏi liệu có con đường nào để hướng tới một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Ở thời điểm hiện tại, không có triển vọng nào như vậy".

Ông Peskov từng nói rằng Ukraine có thể chấm dứt xung đột bất cứ lúc nào bằng cách chấp nhận các điều kiện của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây tuyên bố, việc khôi phục hòa đàm với Nga chỉ có thể thực hiện nếu quân đội Nga rút khỏi "các vùng lãnh thổ chiếm đóng" của Ukraine.

Nga nhiều lần khẳng định chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra, gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk. Trong khi đó, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ. 

Phát biểu trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 16/9, Tổng thống Putin cho biết "Nga sẽ làm mọi việc có thể để chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt".

Tuy nhiên, chủ nhân Điện Kremlin cáo buộc Ukraine khiến xung đột kéo dài. Ông nói rằng lãnh đạo Ukraine đã từ chối quá trình đàm phán, thay vào đó Ukraine tuyên bố "muốn đạt mục tiêu của họ bằng các biện pháp quân sự hay chiến thắng trên chiến trường".

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Kiev sẽ chỉ nối lại đàm phán khi Moscow "bị đánh bại trên chiến trường". Ông Kuleba nhấn mạnh, Tổng thống Ukraine không loại trừ "khả năng đàm phán" nhưng không có lý do gì để đàm phán vào lúc này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 19/9 nhận định cơ hội ký kết một thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và Moscow ở thời điểm hiện tại là rất thấp, chủ yếu bởi vì cả hai bên đều kiên định với các mục tiêu do họ đặt ra trong cuộc xung đột.

Ông Guterres chỉ ra rằng, trong khi Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cho đến khi đạt được tất cả mục tiêu, Tổng thống Zelensky khẳng định sẽ "giải phóng" toàn bộ các vùng lãnh thổ của Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, bao gồm bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga năm 2014.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN gần đây, Tổng thống Zelensky cho biết ông chưa sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Putin và chỉ cân nhắc phương án ngoại giao sau khi lực lượng Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ mà họ đã triển khai từ những tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự. 

Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine bế tắc kể từ cuối tháng 3. Hai bên đưa ra các điều kiện riêng để nối lại đàm phán, trong khi phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Kiev.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm