National Interest trấn an Nga không cần lo ngại NATO đông tiến
(Dân trí) - Chiến lược "đông tiến" của NATO là một nguy cơ trực tiếp thách thức nước Nga. Tuy nhiên, mới đây trang National Interest cho rằng an ninh Nga dường như được bảo đảm hơn nhờ chính sự tồn tại và "chính sách bành trướng" của NATO (?)
Các binh sĩ tham gia một cuộc tập trận chung của NATO. (Ảnh:NT)
Cho đến bây giờ, hẳn rất nhiểu người Nga vẫn còn bất bình về việc Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không bị giải thể sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh như thoả thuận theo hiệp ước Warsaw. Trái lại, tổ chức này đang tìm cách mở rộng sang phía Đông bằng cách kết nạp thêm các cựu thành viên của Liên bang Xô Viết, một hành động mà ông Putin coi là trực tiếp thách thức nước Nga.
Tuy nhiên, liệu rằng những đòi hỏi giải tán NATO hoặc phải ngừng mở rộng sang phía Đông có cần thiết khi mà an ninh của Nga dường như được bảo đảm hơn bởi sự tồn tại và thậm chí là bành trướng của NATO?
Những công thức "đã lỗi thời" của NATO
Theo ông Lord Ismay, Tổng thư ký đầu tiên của NATO, dù có hay không mối đe doạ từ Mátxcơva, mục tiêu thực sự của NATO cũng là để “loại người Nga, giữ người Mỹ và quật ngã người Đức”. Năm 2010, đô đốc Giampaolo di Paola, Chủ tịch Uỷ ban quân sự NATO đã miêu tả mục tiêu của khối thay đổi thành “giữ người Mỹ, nâng tầm châu Âu và đồng hành cùng Nga”.
Tuy nhiên, National Interest ngày 2/7 nhận định : Cả hai công thức này giờ đây dường như đã lỗi thời, khi mà Đức đã trở thành người bảo trợ chính của trật tự châu Âu mới và Nga rõ ràng là không muốn “đồng hành” cùng NATO. Những tư tưởng này đều thể hiện rằng Tây Âu biết NATO là phương thức để họ duy trì sự cam kết của Mỹ trong việc bảo trợ an ninh cho họ.
Một điều cần phải nhắc tới là sau sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Stalin đã "vẽ lại bản đồ châu Âu" khi kết nạp một loạt nước thành viên vào liên bang Xô Viết. Điều này bị cho là tiền đề dẫn tới sự bùng phát dữ dội các mâu thuẫn trong khu vực sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Bên cạnh đó, tâm lý háo hức được gia nhập NATO hay EU làm cho một số nước Đông Âu sẵn sàng chấp nhận hiện trạng đường biên giới lúc bấy giờ, mà không kiện để đòi lại các vùng lãnh thổ đã mất.
Chiến lược của Nga có hiệu quả?
Giới chức Nga tin rằng NATO mở rộng chính là nguy cơ đối với Mátxcơva, chỉ khi NATO tan rã thì nước Nga mới được an toàn.
Thông qua hàng loạt hành động quyết liệt như tách tỉnh Abkhazia và Nam Ossetia khỏi Gruzia năm 2008, sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014 và hỗ trợ phong trào đòi ly khai ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Putin đang nỗ lực khiến cho Ukraine và Gruzia không được phương Tây kết nạp. Và với thực tế Tây Âu không muốn bị lôi kéo vào thế đối đầu với Nga, ông dường như đã thành công.
Do NATO và EU chủ yếu hoạt động trên nguyên tắc thoả thuận chung, việc giới lãnh đạo Hy Lạp và Hungary tỏ ra không mặn mà với phương Tây mà có xu hướng thân Nga có thể là một con bài quan trọng giúp Tổng thống Pủin thực hiện được mục tiêu của mình.
Nếu có thêm một vài quốc gia ngả về phía Nga, NATO có thể sẽ mất khả năng phản ứng hiệu quả trước các động thái của ông Putin trong việc “bảo vệ” tiếng nói của Nga ở Ukraine hay thậm chí là tại các nước vùng Baltic. Điều này thực sự là một bất lợi cho NATO, nhưng trái lại cũng không hề có ích cho Nga.
Trên thực tế, sự suy yếu của NATO không hề làm cho tầm ảnh hưởng của Nga tại những khu vực này tăng lên mà trái lại nó sẽ khơi dậy những "xung đột truyền kiếp" mà một số thành viên NATO đã trải qua hoặc đang cố kiểm soát (như trường hợp của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ)
Tổng thống Putin hiện có mối quan hệ hữu hảo với giới lãnh đạo có tư tưởng bài phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tuy nhiên, nếu bỗng nhiên NATO sụp đổ, mối thù hận Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang được NATO gìn giữ êm thấm có nguy cơ sẽ bùng phát trở lại. Khi đó, thật khó có thể đảm bảo Nga đủ khả năng hạ nhiệt được căng thẳng.
Trong trường hợp này, Mátxcơva bỗng chốc phải lựa chọn hoặc liên minh với một bên, hoặc với cả hai vì các lý do khác nhau. Dù cho Thổ Nhĩ Kỳ đang có mâu thuẫn với EU, nếu Nga quay lưng với họ để trợ giúp Hy Lạp, Istanbul có thể ngay lập tức quay sang hỗ trợ phiến quân ly khai Chechnya hoặc các tổ chức Hồi giáo ở vùng Bắc Kavkaz.
Hiểm họa nào chờ Nga nếu NATO sụp đổ
National Interest lập luận rằng: Sự sụp đổ của NATO có nguy cơ sẽ khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và phe Nga thân Hungary sẽ vùng lên đòi lại “những vùng lãnh thổ đã mất”. Mátxcơva có thể sẽ chẳng quan tâm nếu Budapest liên kết với phe thân phương Tây ở Ukraine hoặc Rumani, nhưng họ sẽ không thể làm ngơ nếu Hungary đòi lại các vùng đất của phe thân Nga ở Serbia hoặc Slovakia, những nơi họ đang có quyền lợi.
Một vấn đề khác cần lưu tâm là cứ mỗi khi một chính phủ bài phương Tây ở các quốc gia láng giềng của Nga được bầu ra, họ thường có xu hướng lo sợ chính nước Nga, và vì thế sẽ quay sang Mỹ cầu viện sự giúp đỡ. Thêm vào đó, nếu càng ngày Nga càng có những hành động ảnh hưởng đến lợi ích của phương Tây, họ cũng sẽ vấp phải những cú phản đòn của đối thủ.
Nói một cách khác, đà xuống dốc của "nền hoà bình kiểu Mỹ" ở châu Âu do sự suy yếu của NATO dường như khó có thể được thay thế bởi một "nền hoà bình kiểu Nga", thay vào đó lại được dự đoán là tình trạng hỗn loạn mà Mátxcơva khó lòng có thể kiểm soát.
Theo National Interest, Nga có thể tránh được tất cả những nguy cơ đó nếu NATO duy trì được sức mạnh và tầm ảnh hưởng của khối. Một NATO hùng mạnh với khả năng tự kiềm chế thực ra còn tốt hơn những quốc gia đơn lẻ được cho là 'bị Mátxcơva chi phối".
Hơn nữa, để cho NATO kết nạp Ukraine với những gì còn lại có thể là cách tốt nhất để Kiev và phương Tây ngầm đồng ý với thực tế Crimea và Đông Ukraine không còn là của Ukraine mà thuộc về Nga.
Thêm vào đó, Mátxcơva tốt nhất là nên để Mỹ ở trong cuộc chơi, châu Âu trong hoà bình hơn là một NATO yếu. Điều này sẽ làm cho cả Mỹ, châu Âu và Nga thấy không nhất thiết phải sa đà vào những tranh cãi và căng thẳng, National Interest viết.
Khánh Trần
Theo National Interest