1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NASA và “cỗ máy giấc mơ” thám hiểm sao Hỏa

(Dân trí) - Lớn bằng một chiếc xe hơi và được trang bị “tận răng” như một phòng thí nghiệm, cỗ máy thám hiểm sao Hỏa mới nhất của NASA đã vượt hẳn những cỗ xe tiền nhiệm về kích thước và sự khéo léo.

 
NASA và “cỗ máy giấc mơ” thám hiểm sao Hỏa - 1
Curiosity hiện đã sẵn sàng cho lễ phóng vào dịp lễ Tạ ơn cuối tuần này, với sự tham dự của ước tính 13.500 khách.

“Cỗ máy giấc mơ”

 

Được đặt biệt danh “Curiosity” (Tò mò) và dự kiến được phóng vào thứ bảy tuần này, “cỗ máy giấc mơ” có cánh tay dài hơn 2m, với đầu tay gắn búa khoan và laser để có thể xuyên thủng được đá trên hành tinh Đỏ. Và điều làm “Curiosity” trở nên nổi bật là nó có thể phân tích được mẫu đất đá với độ chính xác chưa từng có.

 

“Đây là cỗ máy giấc mơ của các nhà khoa học nghiên cứu sao Hỏa”, Ashwin Vasavada, phó chủ nhiệm dự án, thuộc Phòng thí nghiệm phản lực của NASA cho hay.

 

Một khi đã lên đến hành tinh Đỏ, Curiosity sẽ thực hiện sứ mệnh tìm kiếm những hợp chất chứa carbon và hữu cơ. Mặc dù không thực sự phát hiện được các dạng sống, nhưng các nhà khoa học hi vọng cỗ xe tự hành chạy bằng năng lượng hạt nhân và trị giá 2,5 tỷ USD này có thể giúp họ tìm hiểu xem sao Hỏa có, hoặc từng có, sự sống ở dạng vi khuẩn hay không.

 

Curiosity sẽ là “thiết bị lớn nhất và phức tạp nhất từng đặt chân lên bề mặt một hành tinh khác ngoài trái đất”, Doug McCuistion, giám đốc chương trình thám hiểm sao hỏa của NASA cho hay.

 

Dài 3,048m, rộng 2,74m và cao 2,13m, Curiosity có kích thước lớn khoảng gấp đôi “người tiền nhiệm” Spirit và Opportunity. Ngoài ra Curiosity nặng 1 tấn và có thể mang theo 10 thiết bị khoa học. Tên chính thức của Curiosity là Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa (Mars Science Laboratory) hay MSL.

 

Trong sứ mệnh của mình, đầu tiên, Curiosity sẽ được hạ thấp xuống bề mặt sao Hỏa qua hệ thống giống như những cánh quạt của máy bay trực thăng. Xe tự hành trên sao Hỏa Pathfinder (1997) và Spirit cùng Opportunity (2004) đáp xuống bề mặt hành tinh Đỏ bằng các túi khí lớn. Tuy nhiên do Curiosity quá nặng, nên không thể dùng theo cách này.

 

Được biết cách hạ cánh chính xác này sẽ tạo tiền đề cho con người đáp xuống sao Hỏa trong tương lai.

 

Sứ mệnh trên sao Hỏa

 
NASA và “cỗ máy giấc mơ” thám hiểm sao Hỏa - 2
Hình vẽ Curiosity khi ở trên bề mặt sao Hỏa.


 

Dự kiến Curiosity sẽ tới miệng núi lửa Gale giàu khoáng chất vào tháng 8 năm sau, 8 tháng rưỡi sau khi thực hiện hành trình dài 354 triệu dặm trên tên lửa đẩy Atlas V.

 

Đây là một chặng đường đầy nguy hiểm và sẽ gặp không ít trục trặc. Tổng cộng có hơn 3 chục sứ mệnh chinh phục hành tinh giống với trái đất nhất trong vòng nhiều thập niên qua và chưa đầy một nửa sứ mệnh đó thành công. Và chỉ có một cỗ xe tự hành, Opportunity, hiện vẫn đang thám hiểm bề mặt khô, lạnh, cằn cỗi của sao Hỏa trong khi cũng chỉ có 3 tàu thám hiểm hiện đang giám sát hành tinh này từ trong quỹ đạo.

 

Trên thực tế, tàu thám hiểm sao Hỏa mới nhất của Nga hiện vẫn mắc kẹt trong quỹ đạo trái đất, 2 tuần sau khi được phóng. NASA may mắn hơn, mặc dù họ cũng đã mất vài tàu.

 

Dự kiến 13.500 khách mời sẽ tham dự lễ phóng Curiosity vào dịp lễ Tạ ơn vào cuối tuần này.

 

Lần phóng này mang đến cảm giác hồi hộp hơn bình thường. Bởi Curiosity chứa 4,8kg pluton, thừa đủ để cỗ máy đi trên bề mặt sao Hỏa trong hai năm. Máy phát điện hạt nhân ưu việt hơn năng lượng mặt trời bởi nó cho phép Curiosity mang theo được nhiều thiết bị nặng hơn và linh hoạt hơn. Pluton cũng được đặt trong nhiều lớp bảo vệ phòng trường hợp xảy ra tai nạn khi hạ cánh xuống sao Hỏa.

 

Khi đã hạ cánh an toàn xuống sao Hỏa, Curiosity sẽ khảo sát bề mặt của nó bằng camera laser, độ phân giải cao, gắn trên đỉnh ăng ten của nó, giống như mắt thần. Laser sẽ nhắm tìm đất đá ở khoảng cách xa tới 7m, để đo kết cấu hóa chất.

 

Tuy nhiên, Curiosity không đi nhanh hơn những cỗ xe tự hành trên sao Hỏa khác, vẫn đạt tốc độ 1/10 dặm/h. Dự kiến nó sẽ rà soát hơn 19km trong sứ mệnh kéo dài 2 năm của mình. Nếu vẫn hoạt động sau đó, Curiosity có thể sẽ tìm đường tới đỉnh cao gần 5km của miệng hố.

 

Bước tiếp theo trong sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa sẽ là sứ mệnh robot, nhằm đưa mẫu đất trên sao Hỏa về trái đất để phân tích. NASA hi vọng sẽ khởi động dự án vào cuối thập niên này. Tuy nhiên, hiện dự án đang bị quốc hội ngăn chặn.

 

Phan Anh

Theo AP