1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nắng nóng kỷ lục, châu Á càng phụ thuộc năng lượng của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Nắng nóng cực đoan ở nhiều nước châu Á những tuần gần đây khiến khu vực này ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Nắng nóng kỷ lục, châu Á càng phụ thuộc năng lượng của Nga - 1

Một tài xế ở Ấn Độ giải nhiệt bằng một chai nước (Ảnh: EPA).

Châu Á đang đối mặt với năm nắng nóng kỷ lục. "Nơi tồi tệ nhất hiện nay trong bối cảnh nhiệt độ thiêu đốt như thế này là Nam Á, đặc biệt là các quốc gia như Pakistan, Bangladesh", John Driscoll, Giám đốc công ty JTD Energy Services tại Singapore, cho biết.

Khi các quốc gia châu Á ra sức tìm kiếm các nguồn năng lượng để đảm bảo có đủ than, khí đốt, dầu mazut để có điện thắp sáng và chạy máy điều hòa nhiệt độ, năng lượng của Nga bị phương Tây từ bỏ ngày càng trở nên hấp dẫn.

Theo số liệu của công ty Kpler, lượng than và khí đốt tự nhiên mà Nga xuất khẩu sang châu Á kể từ đầu năm nay tăng rõ rệt. Trong đó, xuất khẩu than tăng lên gần 7,5 triệu tấn trong tháng 4, cao hơn khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khí hóa lỏng xuất khẩu sang châu Á cũng tăng lên trong những tháng gần đây sau khi giá giảm.

Trong khi đó, lượng dầu mazut mà châu Á nhập khẩu của Nga tăng kỷ lục trong tháng 3 và tháng 4.

Động lực để khu vực mua thêm năng lượng của Nga có thể sẽ tăng lên do tác động của hiện tượng El Nino.

Ngoài mua dầu thô được chiết khấu, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang mua nhiều than, khí đốt và dầu mazut của Nga nhất. Hai nước này chiếm hơn 2/3 lượng than mà Nga xuất khẩu sang châu Á trong tháng 4. Các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Sri Lanka cũng nhập khẩu đáng kể các nguồn năng lượng từ Nga.

Emma Li, chuyên gia phân tích của công ty Vortexa, cho rằng trong thời gian tới, Pakistan, Sri Lanka có thể nhập khẩu nhiều hơn nữa dầu mỏ của Nga. Giới chức Pakistan đầu tháng này cho biết, họ sẵn sàng thanh toán các hợp đồng mua dầu mỏ Nga bằng nhân dân tệ.

Thậm chí, Chris Wilkinson, chuyên gia phân tích cấp cao của Rystad, nhận định không loại trừ khả năng Nhật Bản - một đồng minh thân cận của Mỹ - có thể sẽ tăng nhập khẩu năng lượng Nga trong giới hạn hợp đồng.

 "Nhật Bản có thể cân nhắc mua thêm khí hóa lỏng từ Nga trong khuôn khổ các hợp đồng dài hạn bởi vì hợp đồng này có hiệu quả về chi phí hơn so với hợp đồng mua ngay", ông Wilkinson lý giải.

Theo Bloomberg