Năm tai nạn tàu ngầm thảm khốc nhất lịch sử nước Nga
Lịch sử Hải quân Nga đã ghi nhận không ít vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến tàu ngầm. Trong đó, thảm kịch kinh hoàng nhất là vụ nổ tàu ngầm B-37 của Liên Xô, khiến 122 người thiệt mạng.
Tàu ngầm Liên Xô B-37
Một chiếc tàu ngầm B-37 của Liên Xô đã phát nổ ngày 11/1/1962 sau khi một đám cháy bất ngờ bùng phát trong khoang chứa ngư lôi.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, tàu đang neo đậu tại căn cứ Hạm đội Bắc (thành phố Polyarny).
Vụ nổ khiến tàu ngầm B-37 bị phá hủy hoàn toàn và tàu ngầm S-350 cạnh đó bị hư hỏng nặng.
122 người được xác định đã thiệt mạng, bao gồm cả những người trên tàu ngầm, một số người thuộc các tàu khác và công nhân xưởng đóng tàu.
Tàu ngầm B-37. Ảnh: Wikicommons
Tàu ngầm hạt nhân Kursk
Ngày 12/8/2000, tàu ngầm Kursk chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga gặp nạn trong cuộc tập trận hải quân của Hạm đội phương Bắc trên Biển Barents.
Kết quả điều tra cho thấy một quả ngư lôi chạy bằng hydro peroxide của tàu đã gặp trục trặc, gây ra một vụ nổ kinh hoàng.
Toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn tàu Kursk đã thiệt mạng.
Thảm kịch này châm ngòi làn sóng chỉ trích nhằm vào chính quyền và Hải quân Nga, đồng thời khiến ông Putin gặp không ít khó khăn trong nhiệm kì Tổng thống đầu tiên.
Tàu ngầm Kursk. Ảnh: Tass
Tàu ngầm Liên Xô K-129
Tàu ngầm K-129 chạy bằng dầu diesel (thuộc Hạm đội Thái Bình Dương) gặp nạn ngày 8/3/1968 ở vị trí khoảng 2.890 km về phía tây bắc Hawaii.
Trước đó, tàu K-129 bắt đầu ngừng liên lạc với đài chỉ huy từ cuối tháng 2. Cơ quan chức năng nhận định tàu có thể đã chìm vì ngập nước sau khi hạ độ sâu quá mức giới hạn.
Một số nguyên nhân khác được đặt ra bao gồm nổ pin hydro, va chạm với tàu USS Swordfish hoặc nổ tên lửa.
Dù đã thử nhiều cách, nhưng Hải quân Nga vẫn không thể xác định vị trí xác tàu K-129.
Năm 1974, Mỹ bắt tay vào việc tìm kiếm xác tàu, và một số phần nhỏ của tàu đã được tìm thấy. Tuy nhiên, vị trí chính xác của K-129 vẫn được tình báo Mỹ giữ bí mật.
Tàu K-129. Ảnh: Wikicommons
Tàu ngầm Liên Xô S-80
Tàu ngầm S-80 chạy bằng diesel-điện của Liên Xô chìm ngày 27/1/1961 trên biển Barents sau khi hạ độ sâu quá mức.
Trước đó, tàu S-80 được cho là đã tắt hệ thống phá băng, khiến chiếc van dùng để ngăn nước chảy vào tàu bị băng đóng kẹt.
Nước tràn vào khiến động cơ tàu dừng hoạt động. Và tàu nhanh chóng chìm xuống đáy biển, khiến toàn bộ 68 thủy thủ thiệt mạng.
Tàu S-80. Ảnh: Wikicommons
Tàu ngầm Liên Xô K8
Vụ tai nạn xảy ra ngày 12/4/1970 ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc Tây Ban Nha, sau khi sự cố chập điện làm lửa bùng phát ở 2 trong số các khoang của tàu ngầm.
Vào thời điểm gặp nạn, tàu K8 đang tham gia một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn.
Tàu ngầm K-8. Ảnh: Wikicommons
Gió lớn, biển động đã khiến tàu chìm nghỉm trước khi được kéo đến nơi an toàn.
52 thủy thủ đã thiệt mạng vì ngộ độc CO2 và do ngạt nước. 73 người khác may mắn sống sót do kịp thời được đưa lên tàu cứu hộ.
Đây là tổn thất đầu tiên liên quan đến tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Liên Xô.
Theo Minh Hạnh
Tiền phong