Nam Phi: Rúng động vụ 34 thợ mỏ bị bắn chết tại mỏ bạch kim
(Dân trí) - 34 thợ mỏ đã bị bắn chết sau khi xô xát với cảnh sát tại một mỏ bạch kim ở miền đông bắc nước này trong một vụ việc gây rúng động nước này. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã thông báo mở một cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc.
Cảnh sát đứng gần thi thể các thợ mỏ bị bắn chết.
Vụ việc xảy ra hôm 16/8 tại mỏ bạch kim của hãng Lonmin ở Marikana, cách thành phố Johannesburg khoảng 100 km về phía tây bắc. 34 người đã thiệt mạng khi cảnh sát nổ súng vào một nhóm thợ mỏ biểu tình. Ít nhất 78 người khác cũng bị thương trong vụ bạo lực.
Một cuộc đình công tại mỏ đã bắt đầu 1 tuần trước và khiến 10 người thiệt mạng, trong đó có 2 cảnh sát, trước khi vụ đụng độ đẫm máu xảy ra hôm thứ Năm.
Hôm 16/8, cảnh sát đã được điều động tới mỏ để giải tán một cuộc biểu tình của 3.000 thợ mỏ, một số cầm dao và gậy gộc, khi họ tụ tập trên một quả đồi để kêu gọi tăng lương lên mức trên 1.000 USD/tháng.
Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến các cảnh sát nổ súng nhưng các nhân chứng cho hay vụ nổ súng xảy ra sau khi một nhóm người đình công tấn công cảnh sát.
Cảnh sát, được trang bị súng trường và súng ngắn, đã bắn hàng chục phát đạn, theo lời các nhân chứng.
Cảnh sát trưởng khu vực Riah Phiyega nói các cảnh sát “buộc phải sử dụng vũ lực tối đa để bảo vệ chính mình”. Bà Phiyega cho biết thêm rằng 259 người đã bị bắt về các cáo buộc khác nhau.
Hiệp hội nghiệp đoàn xây dựng và thợ mỏ (AMCU) đã cáo buộc cảnh sát gây ra một vụ thảm sát.
Các thợ mỏ, hiện có thu thập từ 484-605USD/tháng, nói họ muốn được tăng lương lên mức khoảng 1.500USD/tháng.
Tổng thống Jacob Zuma nói ông rất buồn và thất vọng về các sự kiện gây sốc và gửi những lời chia buồn chân thành tới tất cả các gia đình mất người thân. Ông Zuma cũng cam kết mở một cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc.
Một số vợ của những người đình công đã tụ tập tại mỏ hôm qua, hát các bài hát phản đối cảnh sát và yêu cầu được biết chuyện gì đã xảy ra với chồng họ.
“Cảnh sát, hãy chấm dứt nổ súng vào chồng và con trai chúng tôi”, một biểu ngữ được các bà vợ mang theo viết.
Nam Phi là nhà sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới và cuộc tranh cãi về tiền lương đã ảnh hưởng tới việc sản xuất.
Lonmin, hãng sản xuất bạch kim lớn thứ 3 thế giới, từng gặp phải các tranh chấp lao động tương tự tại mỏ ở Marikana.
Hồi tháng 5/2011, công ty đã sa thải khoảng 9.000 công nhân sau một vụ việc mà hãng này miêu tả là “hành động công nghiệp không được bảo hộ”. Lonmin sau đó cho biết tất cả các công nhân đã được quay trở lại làm việc.
An Bình
Theo BBC