1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Năm 2012 - Năm của những cuộc chuyển giao quyền lực

(Dân trí) - Thế giới khép lại một năm biến động với những tranh chấp, xung đột cũ lẫn mới, chính trị toàn cầu nhiều thay đổi, trong khi kinh tế phục hồi chậm chạp. Tất cả tạo nên bức tranh đa sắc về diện mạo thế giới năm qua với xám là gam màu chủ đạo.

 

1. Năm của các cuộc bầu cử

 

Trong cả năm, trên thế giới có tới 59 quốc gia tiến hành bầu cử ở các cấp, trong đó nhiều cuộc diễn ra tại những nước hùng mạnh trên thế giới. Điển hình trong số này là Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc, bầu ông Tập Cận Bình làm tân tổng bí thư; bầu cử Tổng thống tại Nga, với ông Putin trở lại nắm quyền; tại Mỹ với Tổng thống Obama tái đắc cử; tại Pháp với chiến thắng của ông Hollande; tại Hàn Quốc, với bà Park Geun-hye trở thành nữ tổng thống đầu tiên; tại Venezuela với chiến thắng áp đảo của Tổng thống Chavez; và tổng tuyển cử tại Nhật Bản, với sự trở lại nắm quyền của ông Abe...

 

Gam xám “phủ bóng” thế giới năm 2012
Bầu cử Tổng thống Mỹ thu hút sự quan tâm nhiều nhất của cộng đồng quốc tế. Đây là cuộc bầu cử gây tốn kém nhất trong lịch sử với chiến thắng thuộc về Tổng thống Barack Obama.

 

Nếu tính theo cơ cấu quyền lực, có tới 4 trong số 5 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành bầu cử trong năm nay. Trong số này, Mỹ, Nga và Trung Quốc không có sự thay đổi nhiều về chính sách, vì vẫn là các chính đảng cũ cầm quyền.

 

2. Căng thẳng biển đảo bùng phát

 

Căng thẳng bùng phát cùng lúc tại cả biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, Biển Đông và Nam Đại Tây Dương liên quan đến các vụ tranh chấp chủ quyền đối với một vài nhóm đảo ở các vùng biển này.

 

Gam xám “phủ bóng” thế giới năm 2012

Trung Quốc liên tục có các hành động gây sức ép với các nước trong khu vực như cử tàu thuyền ra vùng biển tranh chấp, thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” hay lưu hành hộ chiếu “đường lưỡi bò”…

 

Tranh chấp đã có lúc leo thang nguy hiểm khiến nhiều người quan ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, nhìn lại tổng thể các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo một năm qua, hợp tác vẫn nổi lên là xu thế chủ đạo.

 

3. AMM 45 không ra được tuyên bố chung

 

Căng thẳng tại Biển Đông không chỉ nóng trên thực địa, mà còn phủ bóng các hội nghị của ASEAN trong năm 2012.  Ảnh hưởng rõ nét nhất là việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) lần đầu tiên trong lịch sử không ra được tuyên bố chung.

 

Gam xám “phủ bóng” thế giới năm 2012

Việc AMM-45 không ra được tuyên bố chung khiến nhiều nhà lãnh đạo khu vực nuối tiếc, trong khi mọi ánh mắt đổ dồn về nước chủ nhà Campuchia.

 

Tuy một số ý kiến coi đây là “thất bại của ASEAN”, nhưng với nguyên tắc đồng thuận vốn có, ASEAN đã nhanh chóng cho ra đời Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông và ký với Trung Quốc Tuyên bố kỷ niệm 10 năm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặt nền tảng thúc đẩy thảo luận Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 

4. Myanmar và “cuộc lột xác”

 

Myanmar là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chính trị thế giới năm 2012 khi thực hiện thành công lộ trình cải cách dân chủ toàn diện trên cả ba trụ cột: chính trị, kinh tế và xã hội.

 

Gam xám “phủ bóng” thế giới năm 2012
Thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi gặp Tổng thống U Thein Sein sau khi được trả tự do và tham gia chính trường trở lại.

 

Chỉ sau một năm, giới chuyên gia đánh giá Myanmar đã thực sự “lột xác” trở thành “ngôi sao mới ở châu Á”. Đáp lại những tiến bộ rõ rệt ở Myanmar, Mỹ và phương Tây đã đồng loạt dỡ bỏ cấm vận sau gần nửa thế kỷ áp đặt.

 

5. Triều Tiên hai lần phóng vệ tinh

 

Trong năm qua, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un đã hai lần phát lệnh phóng tên lửa đạn đạo tầm xa mang theo vệ tinh Kwang Myung Song - 3 lên quỹ đạo Trái đất, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Sau vụ phóng bất thành đầu tiên hôm 13/4 do lỗi kỹ thuật ở tầng hai của tên lửa, Triều Tiên đã cho thực hiện tiếp vụ phóng thứ hai vào hôm 12/12 trước sự ngỡ ngàng của thế giới.

Gam xám “phủ bóng” thế giới năm 2012
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không kịp khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa trong cả hai vụ phóng của Triều Tiên.

 

Trong vụ phóng thứ hai, tên lửa của Triều Tiên có sức vươn lên tới 10.000 km, đủ khả năng bắn tới các mục tiêu ở Mỹ khiến nhiều nước càng có “cớ” coi đây là vụ thử tên lửa tầm xa trá hình.

 

6. Khủng hoảng nhấn chìm chảo lửa Trung Đông – Bắc Phi

 

Trung Đông – Bắc Phi tiếp tục trải qua một năm biến động, đẩy nhiều nước lún sâu vào bất ổn, chia rẽ, mâu thuẫn phe phái, sắc tộc và tôn giáo.

Khói lửa, bom đạn vẫn chưa buông tha nhiều nước ở Trung Đông – Bắc Phi.
Khói lửa, bom đạn vẫn chưa buông tha nhiều nước ở Trung Đông – Bắc Phi.

 

Điển hình trong số này là cuộc khủng hoảng kéo dài 22 tháng qua ở Syria, cướp đi sinh mạng của hơn 44.000 người và làm hàng triệu người phải lánh nạn.  Trong khi đó, Lybia, Tuynisia và Ai Cập dù đã có chính phủ mới hậu “Mùa Xuân Ả rập” song vẫn đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như mâu thuẫn phe phái, suy giảm kinh tế và bất ổn an ninh. Sự xuất hiện của bộ phim báng bổ đạo Hồi đầu tháng 9 là giọt dầu tràn ly, thổi bùng cơn giận dữ trong thế giới Hồi giáo khiến Đại sứ Christopher Stevens và ba nhân viên ngoại giao Mỹ ở Lybia thiệt mạng.

 

7. Palestine được nâng cấp lên “nhà nước quan sát viên”

 

Năm 2012 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Palestine khi vùng đất này được LHQ chính thức nâng cấp quy chế từ “thực thể quan sát viên” lên “nhà nước quan sát viên”.

 

Hàng nghìn người dân
Hàng nghìn người dân Palestine ăn mừng sau thắng lợi ngoại giao quan trọng tại LHQ.

 

Chiến thắng ngoại giao của Palestine là minh chứng rõ ràng cho sự ủng hộ của thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa thành lập Nhà nước Palestine  độc lập bên cạnh Nhà nước Do Thái, đồng thời là đòn cảnh báo đối với Israel trước thái độ cứng rắn của nước này trong việc mở rộng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.

 

8. Nợ công đeo bám châu Âu

 

Khởi đầu từ Hy Lạp năm 2009, nhưng đến nay căn bệnh nợ công vẫn chưa chịu buông tha Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong năm 2012, “trọng bệnh” tiếp tục phát tác tại nhiều quốc gia trong khu vực, quật ngã thêm 4 thành viên (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và CH Síp) trong tổng số 17 nước thuộc Eurozone.

 

Gánh nặng nợ công tiếp tục đè nặng lên châu Âu.

Gánh nặng nợ công tiếp tục đè nặng lên châu Âu.

 

Đáng lưu ý , căn bệnh này còn đe dọa kéo thêm nhiều nền kinh tế mạnh khỏe khác vào “vòng nguy hiểm”. Ngay cả hai đầu tàu kinh tế Pháp, Đức cũng đang trong “hỏa tuyến”, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Eurozone có thể bị tan rã sau 12 năm hoạt động.

 

9. Thiên tai hoành hành thế giới

 

Năm 2012 là một năm với hàng loạt thiên tai, mà theo thống kê của cơ quan giảm thiên tai Liên hợp quốc (UNISDR), trên khắp thế giới có 231 thảm họa lớn, khiến gần 5.500 người chết, ảnh hưởng tới 87 triệu người và gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Trong số này phải kể đến băng giá kỷ lục ở Đông Âu hồi tháng 1, tháng 2 đầu năm và vào những ngày cuối năm này, lũ lớn ở Ấn Độ, Triều Tiên vào tháng 7, bão Sandy ở Mỹ vào cuối tháng 10, bão Bopha ở Philippines vào tháng 12…

 
Thiên tai hoành hành thế giới trong suốt cả năm 2012.
Thiên tai hoành hành thế giới trong suốt cả năm 2012.

Riêng tại châu Á, theo UNISDR, mặc dù số người chết có giảm song 83 thảm họa tự nhiên ở khu vực đã gây tổn thất kinh tế lớn hơn những năm trước, ước tính lên tới hàng chục tỉ USD. Bão Bopha ở Philippines đã gây tổn thất lớn nhất về người trong năm nay, với 1.000 người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích. Trong khi đó, tại Mỹ bão Sandy cũng khiến hàng trăm người thiệt mạng và gây tổn thất khoảng 100 tỷ USD.

 

10. Tìm ra hạt gần giống "hạt của Chúa"

 

Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) thông báo đã tìm ra loại hạt mới có các đặc tính vật lý giống hạt Higgs, loại hạt tạo ra khối lượng vật chất trong vũ trụ nên còn được gọi là "hạt của Chúa".

 

Hình minh họa hạt Higgs phân rã và tạo ra hai tia gamma trong máy gia tốc hạt lớn tại Thụy Sĩ
Hình minh họa hạt Higgs phân rã và tạo ra hai tia gamma trong máy gia tốc hạt lớn tại Thụy Sĩ.

 

Theo CERN, loại hạt này có khối lượng lớn hơn 133 lần so với hạt proton trong nguyên tử. Đây là sự kiện khoa học nổi bật nhất trong năm 2012, mở ra khả năng khám phá thêm những bí ẩn mới trong vũ trụ.

 

Qua 10 sự kiện trên, có thể thấy năm 2012 đã khép lại với nhiều vấn đề còn dang dở, báo trước một năm khó khăn với nhiều thách thức 2013 đang chờ đón các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó không thể thiếu ba vấn đề nổi cộm là khủng hoảng kinh tế, tranh chấp chủ quyền biển đảo và bạo lực tại Trung Đông – Bắc Phi.

 

Mặc dù vậy, thế giới vẫn không giảm bớt hy vọng và nỗ lực cho một tương lai tốt đẹp hơn trong năm 2013, với hy vọng gam xám chủ đạo trong năm 2012 sẽ trở nên tươi sáng hơn trong năm tới.

 

Việt Giang