1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Na Uy tố hầu hết dầu của IS tuồn vào Thổ Nhĩ Kỳ với giá cực rẻ

(Dân trí) - Một lượng lớn dầu từ các khu vực do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát ở Syria và Iraq được buôn lậu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, theo báo cáo của Rystad Energy - một công ty tư vấn dầu khí độc lập.

Phần lớn dầu của IS được cho là đưa vào Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh minh họa: AFP)
Phần lớn dầu của IS được cho là đưa vào Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh minh họa: AFP)

Nhật báo Klassekampen của Na Uy ngày 20/12 cho biết báo cáo của công ty Rystad Energy được lập ra từ tháng 7 theo đề nghị của Bộ Ngoại giao Na Uy. Báo cáo dựa trên các dữ liệu của Rystad Energy cũng như các các dữ liệu khác trong khu vực.

Báo cáo có đoạn viết: “Một lượng lớn dầu đã được buôn lậu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ từ các khu vực do IS kiểm soát ở Syria và Iraq. Các xe chở dầu qua các tuyến đường buôn lậu xuyên biên giới và bán với giá cực thấp từ 25 USD đến 45 USD/thùng”.

“Việc xuất khẩu diễn ra trên thị trường chợ đen được tổ chức rất chặt chẽ thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều đối tượng buôn lậu và cả các cảnh vệ biên giới đang hỗ trợ IS bán dầu và thu tiền về", báo cáo cho biết.

Hồi đầu tháng 12, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố bằng chứng cho thấy hầu hết dầu lậu của IS được đưa vào Thổ Nhĩ Kỳ qua 3 tuyến đường chính với hàng nghìn xe chở dầu. Moscow cũng cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các thành viên trong gia đình ông “hưởng lợi bất hợp pháp” từ hoạt động buôn lậu dầu của IS. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng, làm trung gian cho hoạt động buôn lậu dầu của IS ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có các thương nhân mà còn gồm cả các quan chức của nước này.

Sau Nga, Iran cũng tuyên bố có bằng chứng IS buôn lậu dầu vào Thổ Nhĩ Kỳ và sẵn sàng cung cấp bằng chứng nếu cần thiết.

Ankara đã kiên quyết phản đối những cáo buộc trên. Tổng thống Erdogan thậm chí tuyên bố sẽ từ chức nếu có bằng chứng xác thực về việc Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn với IS.

Về phía Mỹ, ông Adam Szubin, quyền Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ chịu trách nhiệm về chống khủng bố và tình báo tài chính cho biết đa số dầu lậu của IS được bán cho chính quyền Syria, trong khi một số được đưa vào Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quan chức này, IS thu về khoảng hơn 500 triệu USD từ buôn dầu lậu trên thị trường chợ đen cùng khoảng 1 tỷ USD cướp từ ngân hàng ở Syria và Iraq.

Trong một diễn biến liên quan khác, cuối tuần trước, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết tăng cường trừng phạt nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của IS. Nghị quyết mới yêu cầu tất cả các nước trong vòng 120 ngày phải thông báo các biện pháp hành động nhằm ngăn chặn tài chính của IS.

Minh Phương

Theo RT