Myanmar lo ngại về dự án 10 tỷ USD của Trung Quốc
(Dân trí) - Trung Quốc và Myanmar đang hợp tác triển khai siêu dự án trị giá 10 tỷ USD về xây dựng đặc khu kinh tế ở miền Tây Myanmar, nhưng lại không được người dân Myanmar đón nhận do những lo ngại về tác động tới môi trường và đời sống của ngư dân địa phương.
Reuters đưa tin, Nyein Aye, 36 tuổi, là một trong số hàng trăm ngư dân Myanmar bị cấm đánh bắt tại khu vực nơi lắp đặt đường ống dẫn dầu dài 770km, từ Myanmar tới vùng Tây Nam Trung Quốc. Đường ống này sẽ cho phép Trung Quốc nhập dầu thô từ Trung Đông và châu Phi mà không cần vận chuyển bằng đường biển qua eo biển Malacca và Biển Đông.
Đây là một phần của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà Bắc Kinh đang theo đuổi, với mục tiêu xây dựng hạ tầng và hoạt động thương mại, kết nối Trung Quốc với phần còn lại của châu Á và cả châu Phi và châu Âu.
“Chúng tôi có thể làm gì để kiếm sống nếu không được đánh bắt cá?”, Nyein Aye tỏ ra vô cùng giận dữ vì thu nhập của anh đã giảm tới 2/3 kể từ khi bị cấm đánh bắt cá để ưu tiên cho dự án đường ống dẫn dầu. Hồi tháng trước, anh cùng hơn 100 ngư dân khác đã biểu tình yêu cầu Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (PetroChina) bồi thường cho những thiệt hại kinh tế mà họ phải gánh chịu.
Đường ống dẫn dầu này là một phần trong kế hoạch xây dựng Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu trị giá 10 tỷ USD của Myanmar. Đây cũng là minh chứng cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Myanmar. Không chỉ là bước nhảy vọt về đầu tư kinh tế, sự hỗ trợ của Trung Quốc cũng góp phần đảm bảo ổn định, an ninh ở biên giới chung giữa hai nước, trong bối cảnh xung đột giữa các nhóm vũ trang sắc tộc tại Myanmar đe dọa tiến trình hòa bình ở nước này.
Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu rộng 17km2, bao gồm cảng biển nước sâu và khu công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lọc dầu và dệt may. Sau khi đi vào hoạt động, Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm cho tỉnh Rakhine, một trong những khu vực nghèo nhất Myanmar.
Lo ngại về tác động của dự án “tỷ đô”
Tuy nhiên, người dân địa phương cho rằng việc triển khai dự án này là quá vội vàng, chưa có sự tham vấn đầy đủ và không tính đến tác động đối với môi trường sinh thái cũng như cuộc sống của người dân. Ước tính khoảng 20.000 người dân sống tại khu vực này sẽ buộc phải tái định cư để nhường chỗ cho siêu dự án này.
Giới chức Myanmar cho biết họ chưa công bố dự án này bởi vẫn đang trong quá trình đàm phán với phía Trung Quốc và không muốn gây tâm lý hoang mang trong dân chúng. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng việc phát triển Kyauk Pyu là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa hai nước.
Hồi tháng 4 vừa qua, lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Myanmar đã ký kết 2 thỏa thuận liên quan đến dự án đường ống dẫn dầu và xây dựng Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu. Động thái này mở đường cho việc đánh giá các tác động môi trường và xã hội của hai dự án này.
Dự kiến các hợp đồng sẽ được thống nhất vào cuối năm nay và các dự án sẽ khởi công trong năm 2018. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thời gian như vậy là quá gấp gáp bởi những “siêu” dự án thường phải mất hàng năm để chuẩn bị, chứ không phải tính theo tháng.
Tập đoàn CITIC của Trung Quốc, nhà thầu chính dự án xây dựng Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu, cho biết sẽ mở các trường đào tạo cho người dân địa phương, giúp họ có đủ các kĩ năng cần thiết để vào làm việc tại các nhà máy trong khu kinh tế này. CITIC cũng tiết lộ kế hoạch chi 1 triệu USD trong 5 năm đầu tiên để nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.
Tuy nhiên, người dân Myanmar lo ngại dự án Kyauk Pyu sẽ không đóng góp cho sự phát triển của địa phương bởi các công ty sẽ sử dụng hầu hết lao động Trung Quốc. Trong số 3.000 người dân đang sinh sống trên đảo Maday, điểm xuất phát của đường ống dẫn dầu, chỉ có 47 người Myanmar đang làm việc trong các dự án của Petrochina trong khi số lao động Trung Quốc nhiều gấp hơn 2 lần.
Nhật Minh