DNews

Mỹ và phương Tây đang muốn rút lui khỏi Ukraine trong danh dự?

Đại tá Nguyễn Minh Tâm

(Dân trí) - Cuộc vui nào rồi sẽ tới lúc tàn, nỗi buồn nào cũng sẽ qua đi và cuộc chiến tranh nào cuối cùng đều đi đến kết thúc. Xung đột Nga - Ukraine dường như đã có "ánh sáng cuối đường hầm".

Mỹ và phương Tây đang muốn rút lui khỏi Ukraine trong danh dự?

Moscow đang "nắm đằng chuôi"?

Mọi sự vật hiện tượng, tất cả đều có sự bắt đầu và có sự kết thúc. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng không phải là ngoại lệ. Cuộc vui nào cũng sẽ đến lúc tàn, nỗi buồn nào cũng sẽ qua đi, cuộc chiến tranh nào cũng đi đến kết thúc để hòa bình được vãn hồi.

Vấn đề quan trọng hơn hết là cách thức kết thúc cuộc chiến. Nhiều cuộc chiến đã kết thúc theo cách knock-out, với một bên giành toàn thắng, hạ gục đối thủ. Nhiều cuộc chiến cũng đã kết thúc theo cách bất phân thắng bại, hai bên đi đến một thỏa thuận tạm dừng hoặc chấm dứt cuộc chiến.

Và còn có một khả năng đáng sợ nhất là chiến tranh kết thúc bằng cách cả hai bên đều hủy diệt lẫn nhau trong viễn cảnh nổ ra chiến tranh hạt nhân tổng lực.

Trong cuộc chiến ấy, không bên nào còn tồn tại chứ đừng nói đến giành thắng lợi. Chính vì vậy mà nhiều người đã ví các hiệp ước START-1, START-2, rồi gần đây là Hiệp ước New START như những cam kết kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt giữa Mỹ với Liên Xô hay giữa Mỹ và Nga hiện nay.

Những gì đang diễn ra tại Ukraine gần đây làm người ta nhớ đến "Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962". Khi đó, cả thế giới đã nín thở và lạnh gáy, cảm thấy "lưỡi hái thần chết" đang lơ lửng trên đầu loài người, sẵn sàng xóa sạch sự sống khỏi trái đất. Đó là đỉnh điểm trong "Chiến lược vượt trên ngăn chặn" mà Mỹ áp dụng để đối phó Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Kể từ sự kiện đó, Mỹ và Liên Xô, sau này là Mỹ và Nga đều cố gắng tránh những va chạm trực tiếp trong các cuộc chiến tranh cục bộ để không tạo ra nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột hạt nhân.

Và cũng từ thời điểm đó, Mỹ ưu tiên cho hình thức chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh mượn tay người khác. Vì vậy, cuộc chiến hiện nay ở Ukraine không chỉ là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine mà sâu xa hơn, đó là cuộc chiến ủy nhiệm của Mỹ - phương Tây nhằm làm cho Nga suy yếu, kiệt quệ. Thậm chí nếu có điều kiện thì Mỹ - phương Tây sẽ "xé nhỏ" nước Nga như đã từng làm tan rã Liên Xô.

Sau hơn 1.000 ngày, cuộc chiến ở Ukraine đã có độ dài gần bằng độ dài Chiến tranh Xô - Đức (1941-1945), chỉ còn kém hơn khoảng 14 tháng. Một điều khá trùng hợp là cả hai cuộc chiến đều có bước ngoặt quyết định tại Kursk, như một định mệnh. Kết quả trận Kursk của thế kỷ XXI đã dần dần hiện rõ. Thế suy yếu của quân đội Ukraine (AFU) là khó có thể đảo ngược.

Ngày 29/11, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Sky News, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ tuyên bố, Ukraine có thể ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga nếu các vùng lãnh thổ Ukraine hiện kiểm soát được đặt dưới sự bảo trợ của NATO, đồng thời, các vùng bị Nga kiểm soát sẽ khôi phục sau này thông qua con đường ngoại giao.

Đây là một trong những tín hiệu gần đây cho thấy sự điều chỉnh trong lập trường của Kiev về đàm phán với Moscow.

Trước đây chính quyền của ông Zelensky khẳng định không nhượng bộ về lãnh thổ, và quyết theo đuổi chiến thắng trên chiến trường. Tuy nhiên, hiện tại, Kiev phát tín hiệu ưu tiên các cam kết an ninh hơn để đảm bảo Nga không thể phát động một chiến dịch tấn công nào khác trong tương lai.

Bây giờ, người Nga mặc dù vẫn để ngỏ khả năng đàm phán hòa bình nhưng chắc chắn sẽ không đàm phán với Kiev mà yêu cầu đàm phán với Mỹ. Bởi mục tiêu cao nhất, có tính chiến lược nhất của Nga trong cuộc xung đột này là nhận được các cam kết bảo đảm cho chủ quyền và an ninh của chính mình.

Như thường thấy, trước khi đi vào đàm phán để đi đến một thỏa thuận nào đó, các bên tham chiến đều cố gắng giành lợi thế trên chiến trường để "làm vốn giắt lưng" trên bàn đàm phán nhằm tạo sức ép lên đối phương. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Kiev đưa quân đội tấn công vào khu vực Kursk.

Tiếp theo đó là "đèn xanh" của Washington, London và Paris cho AFU sử dụng tên lửa ATACMS (Mỹ), Storm Shadow (Anh), SCALP (Pháp) tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Hiện tại, giữa lúc Kiev ngày một suy yếu thì Mỹ - phương Tây đi nước cờ cuối. Hành động này của Washington - London - Paris không chỉ nhằm "vớt vát" lại chút "vốn giắt lưng" để đàm phán với Nga mà còn cho thấy "họ sẽ không rút lui mà không chiến đấu".

Nếu vì hành động "vượt lằn ranh đỏ" này của Mỹ - NATO dẫn đến hậu quả là phía Nga không chịu ngồi vào bàn đàm phán, chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ gặp khó khăn rất nhiều và có nguy cơ bị đổ lỗi.

Tuy nhiên, hiện nay người Nga đang "nắm đằng chuôi", họ kiểm soát chặt chẽ tình hình chiến sự cũng như đang ở vị thế có lợi trên trường quốc tế. Bất chấp các lệnh trừng phạt, bao vây, cấm vận, chính họ mới là người quyết định có đàm phán hay không, hoặc nếu có thì vào thời điểm nào, ở đâu và với ai!

Mỹ và phương Tây đang muốn rút lui khỏi Ukraine trong danh dự? - 1

Cuộc đối đầu Nga - Ukraine đã lên một cấp độ mới (Ảnh minh họa: Skynews).

Tấn công hợp lý phải đi đôi với phòng thủ chắc chắn

Với thành tích bắn hạ hàng chục nghìn UAV cũng như bắn hạ hầu hết các loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Mỹ - NATO cung cấp cho Ukraine, cho thấy hệ thống phòng không Nga đang hoạt động khá hiệu quả.

Trong điều kiện hiện tại, người Nga cũng không thể không đề phòng những phản ứng mất kiểm soát từ cả Kiev lẫn NATO cũng như Washington vào những "phút bù giờ" trước khi mãn cuộc. Vì vậy, những sản phẩm phòng vệ dân sự chống vũ khí thông thường, cả vũ khí hạt nhân mà Liên Xô đã chế tạo vào những năm 1960-1970 lại được tái sử dụng, được nâng cấp - cải tiến.

Trở lại thời điểm sát trước "Chiến dịch quân sự đặc biệt", quân đội Nga đã được trang bị một loạt những vũ khí mới với các tính năng ưu việt vượt trội cho bốn quân chủng lục quân, hải quân, hàng không - vũ trụ, tên lửa chiến lược. Những vũ khí cũ đều được nâng cấp cải tiến sâu, bổ sung các tính năng mới, đặc biệt là tính năng chống chiến tranh điện tử.

Có thể nói, bộ máy lãnh đạo nước Nga, đứng đầu là Tổng thống Vladimir Putin đã lường trước mọi khả năng diễn biến cuộc chiến, kể cả những diễn biến xấu nhất để vạch ra các phương án đối phó tối ưu nhất có thể nhằm bảo vệ con người, cơ sở hạ tầng, tài sản vật chất, các công trình di tích, di sản văn hóa… trong điều kiện chiến tranh hiện đại không có giới tuyến.

Ngay tại tỉnh Kaliningrad, một khu vực nằm sâu trong lãnh thổ đối phương (NATO), hệ thống phòng không hiệp đồng binh chủng hoặc liên quân chủng (hải, lục, không quân) đã được tăng cường, các biện pháp phòng không nhân dân cũng được triển khai rốt ráo nhờ vào các công trình quân sự - dân sự bằng đá vững chắc đã tồn tại ở đây từ hàng trăm năm nay.

Đặc biệt là với hệ thống vệ tinh quân sự dày đặc trên không gian quanh trái đất, người Nga cố gắng không để Tổ quốc bị bất ngờ. Hệ thống này cho phép phát hiện hầu như ngay lập tức mọi động thái của đối phương nhằm tấn công lãnh thổ Nga từ trên biển, trên không, trên mặt đất ở bất cứ thời gian nào, địa điểm nào trên trái đất. Những thông tin này giúp người chỉ huy tối cao quân đội Nga có thể đưa ra các quyết định đối phó với thời gian được tính bằng giây.

Ngoài các biện pháp phòng không nhân dân tại chỗ, Nga cũng có các phương án sơ tán người dân, các cơ sở kinh tế quốc phòng trọng yếu sang phía Đông giống như thời kỳ 1941-1942. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm qua, Nga đã khởi động lại chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Đông dãy núi Ural cũng như vùng Viễn Đông.

Đó là "hậu phương lớn" của nước Nga, của quân đội Nga cả trong lịch sử lẫn trong hiện tại. Quyết định của Mỹ - phương Tây cho phép Kiev dùng tên lửa đánh sâu vào lãnh thổ Nga không phải là điều gì lạ lẫm hay bất ngờ, Moscow đã có những sự chuẩn bị nhất định.

Mỹ và phương Tây đang muốn rút lui khỏi Ukraine trong danh dự? - 2

Quân đội Nga phô diễn sức mạnh trên Quảng trường Đỏ (Ảnh: Sputnik).

"Gấu Nga" có trong tay những "đồ chơi" nằm ngoài sức tưởng tượng

Nga có một nền công nghệ tương đối hoàn chỉnh, hiện đại sau hơn 70 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa. Điều đáng tiếc là với sự sụp đổ về chính trị, kinh tế, xã hội của Liên bang Xô Viết, nền khoa học công nghệ của Nga hầu như dẫm chân tại chỗ trong gần 20 năm.

Mặc dù vẫn giữ được bộ ba vũ khí hạt nhân nhưng nền công nghiệp quốc phòng của Liên bang Nga cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng cả về nhân lực, vật lực, tài lực. Vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Nga bị xếp vào hàng "cường quốc loại hai" hay "cường quốc khu vực".

Nhưng chỉ trong vòng 20 năm vừa qua, bằng việc lựa chọn chiến lược đúng đắn để tự lực, tự cường bằng cách huy động các nguồn lực con người, tài chính, nguyên liệu, vật tư trong nước, Nga đã hiện đại hóa nền quốc phòng của họ theo kịp với sự phát triển của thế giới và sở hữu một số loại vũ khí mới với các tính năng chưa từng có.

Các vũ khí cũ cũng đều được nâng cấp cải tiến sâu, đơn giản như từ khẩu súng bộ binh cho đến các vũ khí, khí tài điện tử phức tạp và cuối cùng là bộ ba vũ khí răn đe hạt nhân.

Nga đã âm thầm phát triển công nghệ để như một con gấu vừa thức dậy sau giấc ngủ đông và có trong tay những "đồ chơi" nằm ngoài sức tưởng tượng của người Mỹ - phương Tây.

Trong số các công nghệ vũ khí phi hạt nhân của Nga, có thể kể đến các tên lửa siêu vượt âm, những UAV đa chức năng, những trang thiết bị chiến tranh điện tử và chống chiến tranh điện tử hiện đại. Những vũ khí trang bị đó có thể gây khó khăn lớn cho các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử, có thể vô hiệu hóa tương đối hiệu quả các vũ khí chiến thuật và chiến lược của Mỹ - phương Tây.

Về chính trị, Mỹ - phương Tây dường như không thành công trong việc cô lập Moscow. Quan hệ giữa Nga với Mỹ - phương Tây suy giảm tới mức chạm đáy, Nga đã có thêm nhiều bạn bè mới từ phương Đông, đã có thêm các đồng minh có điều kiện ở Đông Á cũng như có thêm các quan hệ hữu hảo với thế giới Ả Rập và Tây Á, trong đó có cả những nước từng là "đồng minh ruột" của Mỹ như Ả-rập Xê-út, UAE và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Châu Á duy nhất của NATO.

Trên cơ sở củng cố các quan hệ chính trị đó, các quan hệ kinh tế cũng được Nga mở rộng đến các khu vực phía Nam, kể cả Nam bán cầu và Châu Mỹ Latinh, nơi mà người Mỹ vẫn coi là "sân sau" của họ.

Khối BRICS với 10 quốc gia và 3,8 tỷ người (gần ½ dân số toàn cầu) là một thị trường khổng lồ, đồng thời là đối trọng lớn nhất của Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. Riêng về dầu thô, tổng sản lượng của BRICS đã chiếm tới hơn 40% tổng sản lượng khai thác toàn cầu.

Đến tháng 10/2024, tỷ trọng GDP của BRICS đã chiếm 34,7% GDP toàn cầu vượt qua tỷ trọng 29,3% của nhóm G7. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của BRICS cũng lên đến xấp xỉ 4%/năm, vượt qua tốc độ tăng trưởng chung 3,2% của cả thế giới và vượt xa tốc độ 1,7%/năm của nhóm G7.

Mặc dù Mỹ và phương Tây vẫn nắm giữ hai đồng tiền có sức mạnh chuyển đổi quan trọng là USD và Euro cùng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nhưng trong tương lai gần, BRISC sẽ tạo ra nhiều nền tảng phát triển khác nhau trong khối, bao gồm các kênh truyền thông, tiêu chuẩn công nghệ và giáo dục, hệ thống tài chính, công cụ thanh toán và các cơ chế đầu tư bền vững dài hạn.

Và cuối cùng, kinh tế sẽ tác động ngược trở lại đến chính trị như một hiệu ứng tất yếu. Đó là xu thế phát triển đa cực của thế giới, là chủ nghĩa đa phương về chính trị và một thị trường toàn cầu hóa dựa trên sự đa dạng nhằm đạt tới các mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên Hợp Quốc đã định hình

Mặc dù Mỹ và phương Tây đang cố gắng duy trì vị thế của họ trên cơ sở thế giới "đơn cực" nhưng không sớm thì muộn, chủ nghĩa đó sẽ lung lay.

Đó chính là những "con át chủ bài" của Nga mà Mỹ và phương Tây không thể có!

Mỹ và phương Tây đang muốn rút lui khỏi Ukraine trong danh dự? - 3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin (Ảnh minh họa: Tfiglobalnews).

Mỹ và phương Tây đang tính rút lui trong danh dự?

Cần phải nói ngay rằng hành động của Mỹ - Phương Tây cho phép Ukraine dùng các loại tên lửa chiến thuật ATACMS, Storm Shadow và SCAPL tấn công vào lãnh thổ Nga có tính tượng trưng nhiều hơn là có giá trị thực tế. Đó là vì những cam kết mà Mỹ và phương Tây buộc phải thực hiện trước khi Nhà Trắng có ông chủ mới mà những người phải rời đi hoặc chịu ảnh hưởng của sự kiện đó không thể đoán biết được những gì sẽ diễn ra sau đó.

Mặt khác, quyết định trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden diễn ra trong thế suy yếu, kiệt quệ của Kiev trên chiến trường. Thế nên, dù Ukraine có dùng hết cả mấy trăm quả tên lửa được viện trợ thì cũng khó có thể xoay chuyển được tình thế đã gần như ngã ngũ trên chiến trường.

Nga có bước tiến nhanh chưa từng có ở Donetsk trong khoảng thời gian từ 15/10 đến 30/11 (Video: SVO Mapp).

Sự im lặng của ông Trump trước quyết định phiêu lưu cuối cùng của chính quyền Tổng thống Biden không hẳn là ông đồng ý với quyết định đó. Sự thật là ông Trump đang tính toán xem nên sử dụng hiệu quả cái quyết định ấy sao cho có lợi cho mình. Ông Trump thừa biết rằng dù có đổ thêm bao nhiều tiền của cho "cái thùng không đáy" ở Kiev thì rốt cuộc, Moscow vẫn chiếm thế thượng phong nhờ tiềm lực dự trữ dồi dào cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc của người Nga.

Trong khi đó, mục tiêu làm suy yếu Nga rõ ràng chưa thành công. Cuộc chiến hơn 1.000 ngày vừa qua cùng lắm chỉ có thể làm chậm lại sự sụp đổ của Ukraine trên thực địa. Vì thế, nếu như chính quyền sắp mãn nhiệm của nước Mỹ có cố gắng làm cản bước vị tân tổng thống trong việc vãn hồi hòa bình ở Ukraine, giảm căng thẳng ở Châu Âu đi nữa thì hiệu quả của nó cũng không hơn gì một lời động viên đối với Kiev khi "ván cờ" do người Mỹ bày ra ở Ukraine đã đi vào "tàn cục".

Dù có bất kỳ sự biến nào diễn ra ở Kiev hay trong nội bộ các quốc gia NATO thì "ông chủ mới mà không mới" của Nhà Trắng sẽ phải tính đến việc rút ra khỏi "vũng lầy Ukraine" trong danh dự. Trong đó có một điểm đặc biệt quan trọng đối với Mỹ và NATO là không được để bị mang tiếng xấu là "đã bỏ rơi đồng minh". Còn nếu Kiev thua trận thì là đó là lỗi của họ chứ không phải là lỗi của Mỹ, của Anh, của Pháp và của NATO nói chung.

Hiện tại, chưa rõ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ có kế hoạch gì sau khi trở lại Nhà Trắng. Nhưng đối với Nga thì chiến dịch quân sự đặc biệt của họ sẽ không dừng lại khi các mục tiêu phi phát xít hóa, phi quân sự hóa, trung lập hóa Ukraine và bảo đảm an ninh cho Nga chưa đạt được, kể cả trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán.

Nếu Nga chấp nhận đàm phán thì những mục tiêu đó chắc chắn sẽ được đặt ra và là những điều kiện bất di, bất dịch, không thể nhượng bộ dù chỉ với một hai từ ngữ.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine