1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ và Ai Cập đối thoại chiến lược nhằm hàn gắn quan hệ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 1-8 đã đến thủ đô Cairo của Ai Cập với nỗ lực thu hẹp những bất đồng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tâm điểm trong chuyến thăm Cairo của ông Kerry là việc Mỹ và Ai Cập nối lại cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước, vốn đã bị tạm ngừng trong 6 năm qua.

Mỹ và Ai Cập đối thoại chiến lược nhằm hàn gắn quan hệ - 1

Ngoại trưởng John Kerry và Ngoại trưởng Sameh Shoukri gặp nhau tại Cairo ngày 2-8. (Ảnh: AP)

Ngày 2-8, Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Sameh Shoukri đã đồng chủ trì cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Ai Cập. Cuộc đối thoại này diễn ra ngay sau khi Mỹ tuyên bố bắt đầu chuyển giao 8 máy bay F-16 cho Ai Cập như một phần của gói hỗ trợ quân sự mà Washington dành cho Cairo.

AFP cho hay, phát biểu khai mạc cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri tuyên bố: “Việc tiến hành cuộc đối thoại chiến lược ngày hôm nay là một cơ hội nghiêm túc đối với hai bên để xem xét lại những phần khác biệt trong quan hệ Ai Cập - Mỹ về mặt chính trị, quân sự và kinh tế, đồng thời đánh giá mối quan hệ này trên tất cả các khía cạnh”. Ông Sameh Shoukri cho biết, ông hy vọng cuộc đối thoại lần này sẽ làm “sâu sắc hơn” sự hợp tác giữa hai nước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã cam kết rằng, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ai Cập nếu như hai nước tạm thời giải quyết được rạn nứt trong quan hệ ngoại giao. Ông Kerry tuyên bố, Washington muốn hỗ trợ Cairo cả về kinh tế lẫn chính trị. “Mỹ cam kết hỗ trợ đối với an ninh và sự thịnh vượng kinh tế của nhân dân Ai Cập”, Ngoại trưởng Kerry khẳng định.

Ông John Kerry cũng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Ai Cập nếu như phía Ai Cập có nhu cầu, đồng thời cho biết ngoài các máy bay F-16, trong năm nay Washington bàn giao cho Cairo trực thăng Apache, tàu tấn công và các hệ thống vũ khí khác.

Được biết tại cuộc đối thoại lần này, hai bên cũng thảo luận nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa nhằm đề ra hướng giải quyết các vấn đề quan trọng đối với mỗi nước, cũng như thúc đẩy các giá trị, mục tiêu và lợi ích chung của hai quốc gia. Cuộc đối thoại lần này được cho là sẽ tái khẳng định quan hệ đối tác lâu dài và bền vững giữa hai nước.

Một thời từng là đồng minh chiến lược, song quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự kiện Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ đầu năm 2011. Tiếp đến, tháng 10-2013, Washington đã đình chỉ các khoản viện trợ hằng năm lên tới hơn 1 tỷ USD cho Ai Cập nhằm phản đối việc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vào tháng 7-2013.

Đáp lại thái độ ngày càng lạnh nhạt của Mỹ, Ai Cập cũng đã thẳng thừng từ chối gia nhập liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu.

Quan hệ giữa hai nước gần đây đã bớt căng thẳng đi đôi chút với việc chính quyền Mỹ nối lại viện trợ cho Ai Cập kể từ tháng 3 vừa qua và bắt đầu bàn giao các thiết bị quân sự cho Ai Cập nhằm giúp quốc gia này đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ các phần tử cực đoan, đặc biệt là tại bán đảo Sinai.

Sau khi rời Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ tới Qatar để gặp Ngoại trưởng 6 nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhằm giải tỏa những lo ngại của các nước này về thỏa thuận hạt nhân vừa được ký kết giữa Iran và Nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức).

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bên lề các cuộc họp của GCC, ông Kerry dự kiến cũng sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để thảo luận về một số vấn đề, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria, cuộc chiến chống IS...

Theo Anh Vũ

Quân đội Nhân dân

Mỹ và Ai Cập đối thoại chiến lược nhằm hàn gắn quan hệ - 2