1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Mỹ - Ai Cập: Vượt qua sóng gió

Trong bối cảnh Yemen đang nhanh chóng nổi lên thành điểm nóng mới tại Trung Đông, mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa viện trợ vũ khí đối với Ai Cập vốn bị đóng băng kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền tại nước này gần hai năm trước.

Đây được xem là một nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm làm sống dậy các mối quan hệ chặt chẽ với đất nước Kim tự tháp, đồng minh lâu năm nhất của Mỹ và cũng là một quốc gia có ảnh hưởng tại Trung Đông. Theo quyết định trên, Mỹ sẽ bắt đầu nối lại các chuyến hàng viện trợ máy bay tiêm kích F-16, tên lửa Harpoon và các bộ phận xe tăng hạng nặng M1A1 Abrams cho quốc gia Bắc Phi này. Tổng thống B.Obama khẳng định Washington sẽ tiếp tục khoản viện trợ quân sự hằng năm trị giá 1,3 tỷ USD cho Chính phủ Ai Cập.
 
Máy bay tiêm kích F-16 là một trong những vũ khí Mỹ viện trợ cho Ai Cập.
Máy bay tiêm kích F-16 là một trong những vũ khí Mỹ viện trợ cho Ai Cập.

Quan hệ Mỹ - Ai Cập gặp sóng gió sau khi Nhà Trắng quyết định ngừng các khoản viện trợ hằng năm cho Cairo, nhằm thể hiện thái độ không hài lòng trước làn sóng bạo lực năm 2013 và Tổng thống lên nắm quyền Abdel Fattah al-Sisi vốn xuất phát từ quân đội. Quyết định đưa ra đúng thời điểm Ai Cập gặp khó khăn chồng chất và việc Mỹ lơi tay khiến đồng minh lâu năm này không khỏi chạnh lòng. Một khoảng trống đã lộ ra và một số quốc gia muốn "thế chân" Mỹ nhằm thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Ðông.

Trong khi đó, nằm ở khu vực Bắc Phi và là quốc gia Arab đông dân, có quân đội mạnh, Ai Cập đang đứng dậy sau giai đoạn đầy biến động trong nước và bị cuốn vào những cuộc xung đột trong khu vực như tại Libya, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cairo cũng tích cực tham gia vào liên minh các quốc gia Arab, do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm tiến hành các chiến dịch quân sự truy quét phiến quân Hồi giáo Houthi tại Yemen.

Trong hội nghị quốc tế tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Ai Cập Sharm El Sheikh diễn ra hồi tháng 3, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait đã hứa sẽ trợ giúp 12 tỷ USD cho xứ sở Kim tự tháp, hiện đã trở thành một thành trì chống khủng bố trong khu vực. Sự hiện diện của đại diện 100 quốc gia từ khắp các châu lục tại hội nghị cũng là thành công đối với chính quyền của Tổng thống A.Al-Sisi. Đây là sự kiện ngoại giao đặc biệt nhằm khẳng định vị thế của Ai Cập cũng như khả năng thu hút đầu tư nước ngoài sau 4 năm xáo động chính trị.

Các nhà phân tích cho rằng, cho dù thực hiện một chính sách mạnh tay với các phe phái đối lập, đặc biệt là tổ chức Anh em Hồi giáo, chính quyền của cựu tướng A.Al-Sissi vẫn là một đồng minh Arab không thể thay thế với phương Tây, đặc biệt là Mỹ trong bối cảnh tổ chức IS tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại nhiều quốc gia trong khu vực sau khi chiếm được nhiều vùng rộng lớn tại Iraq và Syria. Thế nên, không quá bất ngờ khi Mỹ khẳng định quyết định việc nối lại viện trợ vũ khí cho quốc gia Bắc Phi này là vì lợi ích an ninh quốc gia của cường quốc số 1 thế giới.

Nhà Trắng cho rằng những bước đi như thế sẽ giúp tăng hiệu quả của quan hệ quân sự trong ứng phó với những thách thức chung mà Mỹ và Ai Cập cùng phải đối mặt tại khu vực đầy bất ổn, cũng như phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược truyền thống giữa hai nước. Mỹ cần Ai Cập trong việc bảo đảm an ninh ở bán đảo Sinai, khu vực hiểm yếu đối với Israel.

Theo Hiệp ước an ninh ký giữa Israel và Ai Cập năm 1979, Mỹ cung cấp các khoản viện trợ cho Ai Cập hằng năm lên tới 1,5 tỷ USD, trong đó quân đội được nhận khoảng 1,3 tỷ USD, chủ yếu dưới dạng khí tài quân sự và huấn luyện, đào tạo. Khoản viện trợ này nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ và được xem là khoản đầu tư khôn ngoan, nhằm đổi lấy sự bảo đảm cho Hiệp ước hòa bình với Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, cũng như sự ủng hộ ngoại giao gần như tuyệt đối của Cairo dành cho Washington tại khu vực Trung Đông.
 
Bên cạnh đó, Washington còn nhận được sự bảo đảm an toàn cho tuyến đường vận chuyển quân và hàng hóa của Mỹ qua kênh đào Suez, điểm trung chuyển của 4% tổng lượng dầu trên toàn thế giới và 8% tổng lượng hàng hóa vận tải qua đường biển. Bất kỳ trục trặc nào xảy ra tại kênh đào này cũng có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ, chưa kể ảnh hưởng đến hoạt động của tàu quân sự Mỹ.
 
Vì vậy, việc nối lại viện trợ quân sự được xem như đã xóa bỏ ranh giới ngăn cách vô hình, giúp Mỹ và Ai Cập xích lại gần nhau và đưa mối quan hệ đối tác thân cận giữa hai bên trở về quỹ đạo vốn có. Động thái này cũng sẽ củng cố vai trò của Mỹ trong khu vực và tạo thêm nguồn lực cần thiết để tăng cường sức mạnh cho một quốc gia quan trọng bậc nhất trong thế giới Arab nhằm chống lại những bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Theo Thùy Dương
Hà Nội mới