1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ tự cắt cánh tay hạt nhân của mình

Mỹ vừa có động thái khiến năng lực tấn công hạt nhân tầm xa của nước này suy yếu khi tước nhiệm vụ mang bom hạt nhân của máy bay B-52.

B-52 mất nanh vuốt

Theo Defense News, máy bay B-52 sẽ không còn khả năng thả bom hạt nhân do Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá rằng, nó không có khả năng tiến đủ gần tới mục tiêu trong môi trường có nhiều hệ thống phòng không tối tân hiện nay.

Oanh tạc cơ B-52 được thiết kế để bay ở độ cao lớn và thả một loạt bom hạt nhân vào mục tiêu của đối phương nếu cần thiết. Trong những năm 1980, mỗi chiếc B-52 từng được trang bị 2 quả bom B-53 có sức công phá lên tới 9 megaton.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi bởi theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, ngân sách trong năm 2018 của Cơ quan An ninh Hạt nhân quốc gia Mỹ không còn việc trang bị cho B-52 các loại bom hạt nhân. Điều này có nghĩa là B-2 sẽ trở thành mẫu máy bay ném bom duy nhất của Mỹ có thể tấn công mục tiêu bằng bom hạt nhân trọng lực.

Trước khi có quyết định này, B-52 đã xảy ra hàng loạt sự cố khác nhau, đặc biệt là hôm 4/1, trong khi diễn tập tại căn cứ không quân Minot ở Bắc Dakota, động cơ của chiếc B-52 đã bất ngờ rơi khỏi máy bay.

Không quân Mỹ cho biết, sau khi xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này, máy bay cùng với phi hành đoàn 5 người đã hạ cánh an toàn.

Lực lượng cứu hộ cùng trực thăng đã tìm thấy mảnh vỡ của động cơ ở vị trí cách căn cứ Minot khoảng 40 km về phía Đông Bắc. Họ xác nhận, khi gặp sự cố chiếc B-52 được trang bị đầy đủ vũ khí để thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện.

Bộ 3 máy bay tầm xa của Mỹ.
Bộ 3 máy bay tầm xa của Mỹ.

Năng lực già cỗi

Được biết, B-52 cùng với máy bay B-1 và B-2 thuộc bộ 3 máy bay chiến lược hạng nặng hiện nay của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích quân sự Lauren B. Thompson nhận định lực lượng máy bay ném bom của Mỹ hiện nay không đủ khả năng đối phó với những thách thức mới bởi các quốc gia như Nga hay Trung Quốc đang theo đuổi những chiến lược chống xâm nhập và hệ thống phòng không linh hoạt hơn.

Ông Thompson cho rằng Mỹ cần nâng cấp và thay thế phi đội máy bay ném bom già nua. Nếu không thực hiện được điều này, quân đội Mỹ sẽ bị tụt hậu và khi đó những kẻ thù tương lai sẽ tấn công Mỹ.

Máy bay ném bom đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột gần đây với sự tham gia của quân đội Mỹ. Từ các cuộc xung đột ở vùng Balkan đến Afghanistan, Iraq và Libya, phi đội ném bom chiến lược tầm xa của Không quân Mỹ đã chứng tỏ được tính hiệu quả trong sứ mệnh đánh bại kẻ thù.

Máy bay ném bom có khả năng mang theo vũ khí thông thường và vũ khí dẫn đường chính xác cao, có thể tấn công nhiều mục tiêu trong một chuyến bay vào ban ngày hay đêm và thời tiết tốt hay xấu.

Máy bay ném bom hạng nặng có ưu điểm ở khả năng linh hoạt, trọng tải lớn và chi phí thấp. Những tính năng này cho phép chúng thích ứng với các điều kiện thay đổi mà các máy bay chiến thuật nhỏ hơn - có người lái hoặc không người lái - không thể thực hiện được.

Ví dụ, các máy bay ném bom B-52 đã được sử dụng như máy bay ném bom hạt nhân tầm cao, sau đó trở thành một máy bay ném bom thông thường, và ngày nay là một máy bay tấn công hỗn hợp, có thể phóng tên lửa hành trình.

Những máy bay ném bom mới nhất trong phi đội máy bay ném bom hạng nặng của Không quân Mỹ được thiết kế từ cách đây 30 năm. Lực lượng máy bay ném bom hiện nay của Mỹ vẫn hoạt động hiệu quả nhưng đã lạc hậu.

Hiện tại, không quân Mỹ đang sở hữu 76 pháo đài bay B-52 với độ tuổi trung bình là 50 năm, 63 chiếc B-1 Lancers 28 năm tuổi và 20 chiếc B-2 Spirits đã hoạt động hơn 20 năm.

Mỗi máy bay ném bom của Không quân Mỹ có thể mang theo một lượng vũ khí nhất định với tầm hoạt động không tiếp nhiên liệu là 9.600 km. B-52 là máy bay ném bom duy nhất có khả năng mang theo tên lửa hành trình, trong khi B-1 là máy bay ném bom siêu âm duy nhất và B-2 là máy bay tàng hình duy nhất của Mỹ.

Tất cả những máy bay này đều gặp những vấn đề liên quan tới tuổi tác. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho rằng, Trung Quốc đang âm thầm phát triển một loại máy bay ném bom tàng hình hiện đại có khả năng tấn công hạt nhân vươn tới Mỹ.

Ngoài ra, Nga cũng đang thực hiện dự án phát triển máy bay ném bom chiến lược mới và hiện đại hóa các máy bay ném bom Tu-160, Tu-95MS, Tu-22M3. Hơn nữa, trên chiến trường Trung Đông, các máy bay ném bom của Mỹ đang dần mất đi lợi thế khi các đối thủ không ngừng tăng cường khả năng phòng không của mình.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều từ khi phi đội máy bay ném bom của Mỹ được đưa ra vào sử dụng. Liên Xô đã tan rã và Trung Quốc đang nổi lên như một thế lực mới. Các công nghệ hủy diệt từ thời chiến tranh lạnh đã phổ biến tới nhiều quốc gia mới, trong khi những công nghệ mới lại rơi vào tay những quốc gia và tổ chức có tư tưởng cực đoan.

Vì thế, phát triển máy bay ném bom tầm xa mới rất cần thiết đối với Mỹ hiện nay. Bởi thực tế cho thấy, B-52 cùng với B-1 và B-2 đang dần chứng tỏ mình lạc hậu trong chiến tranh hiện đại. Và việc phát triển dòng máy bay mới là điều bắt buộc với Mỹ lúc này nếu Washington muốn giữ vị thế của một cường quốc.

Clip hiện trường chiếc B-52 rơi tại Guam hồi tháng 5/2016:

Theo Đồng Tâm

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm