Mỹ - Trung và Biển Đông: Không chỉ là một vụ nắn gân
Thứ tư 20-5-2015, một cuộc trắc nghiệm về chiến thuật giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thực hiện: Một chiếc P8-A Poseidon, máy bay do thám hiện đại nhất của Mỹ, đã tiếp cận sát khu vực mà Trung Quốc đang xây loạt đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Không chỉ là một vụ nắn gân
Nơi Trung Quốc tập trung xây dựng căn cứ quân sự mạnh nhất là đảo Chữ Thập - một “hòn đảo” có chiều rộng 90m. Chính xác, Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía tây nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía đông bắc của cụm Trường Sa. Đảo Chữ Thập cách Trung Quốc đến 1.190km nhưng rất gần Việt Nam, Philippines và Malaysia. Đầu năm 2015, Philippines đã cảnh báo việc mở rộng đảo Chữ Thập, mà theo IHS Jane's 360, giờ hòn đảo này có chiều rộng 200-300m với diện tích tổng cộng khoảng 100.000m2. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng!
Trung Quốc chiếm đảo Chữ Thập năm 1988 và lúc ấy họ chỉ dựng một pháo đài nhỏ, cầu cảng, bãi đáp trực thăng và vài khẩu phòng không. Năm 2011, quân đội Trung Quốc thiết kế đảo Chữ Thập thành “căn cứ chỉ huy tiền trạm”. Từ lúc đó, đảo Chữ Thập trở thành căn cứ quân sự thật sự (thậm chí có cả nhà kính để trồng rau). Bây giờ, đảo Chữ Thập đã đủ dài để chứa đường băng 3.000m. Trung Quốc còn đang xây cảng tại đảo Chữ Thập, có khả năng hỗ trợ tàu dầu, cung cấp nhiên liệu cho tàu hải quân và hệ thống vận chuyển xe cơ giới quân sự. Nơi này cũng có thể được sử dụng làm trung tâm điều khiển máy bay không người lái (UAV) cho mục đích do thám.
Nói riêng về quân sự, việc thiết kế đảo Chữ Thập thành một trong những căn cứ chủ lực của hải quân Trung Quốc tại Biển Đông là một kế hoạch quân sự không tỉnh táo. Một mục tiêu “chết” là đích ngắm tốt của đối phương. USS Michigan, tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa hành trình thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, có thể nhấn chìm đảo Chữ Thập trong vài phút. Một trận “mưa nhẹ” với 10 trái Tomahawk-D cũng có thể thả ra 1.660 bom chùm, phá hủy hoàn toàn máy bay, hệ thống radar, tháp điều khiển, kho nhiên liệu, kho đạn… (chiếc USS Michigan mang đến 154 Tomahawk). Và nếu Trung Quốc lắp hệ thống phòng không HongQing-9, tương tự Patriot của Mỹ, thì đặc nhiệm Mỹ có thể đổ bộ lên phá hủy trước khi máy bay Mỹ thực hiện một cuộc oanh tạc tan nát căn cứ đảo Chữ Thập.
Tuy nhiên, trò chơi chiến tranh, thời điểm này, rất khó xảy ra. Vấn đề bây giờ là chiến lược. Phần Mỹ, có thể đặt câu hỏi rằng, rốt cuộc thì ông Obama chơi bài gì? Ngay cả những người bình tĩnh nhất cũng thấy sốt ruột trước sự thong thả của Obama trong chiến lược mà ông gọi là tái cân bằng để kiềm chế sự bành trướng lộ liễu của Trung Quốc. Trước những động thái khiêu khích hung hãn với cường độ mạnh tăng dần trong cái gọi là chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc mà Mỹ chỉ làm chừng đó, rõ ràng là chưa ăn thua. Những gì Mỹ làm cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ cảnh cáo về mặt ngôn từ ngoại giao; Triển khai dồn quân sang châu Á; Tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh…
Những điều đó là chưa đủ sức răn đe và khiến Trung Quốc chùn bước. Trong thực tế, từ khi Mỹ tuyên bố chính sách xoay trục thì Trung Quốc đã đi rất nhanh trong chiến lược phủ sóng quân sự Thái Bình Dương. Nếu là George W. Bush thì có thể bức tranh khu vực đã khác. Có một điều chắc chắn là Mỹ không thể bỏ trống khu vực để Trung Quốc mặc sức tung hoành. Việc Washington giảm thiểu sự hiện diện ở Trung Đông cũng như điểm nóng Afghanistan là một trong những thể hiện của sự dồn sức vào Châu Á - Thái Bình Dương. Chính sách đối phó của Mỹ hiện tại là:
- Mở chiến dịch truyền thông để nhấn mạnh mối đe dọa an ninh khu vực từ Trung Quốc.
- Dẫn Trung Quốc lao vào cuộc chạy đua vũ trang để làm tổn hao sức mạnh kinh tế; Trong cùng thời điểm, điều này lại tạo thêm sức sống cho nguồn công nghiệp quân sự của Mỹ. Chẳng cuộc chơi nào tốn kém và làm cạn kiệt ngân sách nhanh bằng chạy đua vũ trang trong khi năng lực kỹ thuật quân sự Trung Quốc còn quá thấp để có thể chạy đua với Lầu Năm Góc.
- Phá vỡ các mối liên kết địa chính trị của Trung Quốc, trong đó có châu Phi và đặc biệt Mỹ Latinh.
- Thiết lập các định chế để cô lập Trung Quốc (TPP hay “Sáng kiến Mekong” chẳng hạn).
- Cố tình buông lỏng sự bành trướng quân sự và thái độ hung hăng “tằm ăn dâu” của Trung Quốc để khiến Bắc Kinh manh động trước.
Trở lại với câu hỏi: Rốt cuộc thì ông Obama đang làm gì và đang cần gì? Nếu tất cả những điều nói trên là đúng thì yếu tố cần nhất đối với Mỹ bây giờ là thời gian. Đó là lý do Mỹ có vẻ chậm chạp trong việc đối phó với cường độ cực nhanh của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi cân não với rủi ro ở cả phía Mỹ lẫn phía Trung Quốc. Mỹ không thể cứ ngồi nhìn để khi trở tay thì đã quá muộn. Và vấn đề với Trung Quốc bây giờ là chơi rắn với liều lượng bao nhiêu thì đủ? Nếu đây thật sự là câu hỏi đang được Bắc Kinh đặt ra thì cục diện giằng co sẽ còn kéo dài. Còn nếu Bắc Kinh không thật sự quan tâm câu hỏi này thì trong thời gian ngắn nữa thôi, nút thắt sẽ được gỡ, ít nhất cũng từ một cuộc chiến cục bộ giới hạn trong một không gian hẹp. Và hậu quả của một cuộc chiến như vậy là sẽ có một Trung Quốc khác với Trung Quốc bây giờ!
Câu chuyện Philippines Philippines đã và tiếp tục làm mọi cách để đối đầu Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp biển đảo, từ việc đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế đến những hành động nhỏ hơn nhưng cần thiết, chẳng hạn khảo sát sự tàn phá sinh thái biển mà Trung Quốc mang lại khi tiến hành xây loạt đảo nhân tạo. Sự chọn lựa vị trí phải đứng bên nào và đứng với ai chỉ mang lại lợi ích, ở đây là quốc phòng. Điều đó không cho thấy Philippines “hèn” khi chấp nhận “dựa hơi” nước lớn mà nó cho thấy Manila trưởng thành về chính sách đối ngoại và đáng tin như thế nào trong việc xây dựng liên minh. Lịch sử nhân loại là lịch sử của những liên minh, lịch sử của những cái bắt tay giữa bộ lạc nhỏ để chống lại bộ lạc lớn, giữa nước nhỏ với nước lớn để chống lại một nước lớn khác. Việc Trung Quốc luôn tránh né đàm phán đa phương cho thấy họ rất sợ một sự nhích lại hình thành liên minh. Trừ Nhật Bản, không bất kỳ nước châu Á nào có thể đánh lại Trung Quốc bằng quân sự. Việc thiết lập liên minh khiến Philippines bắt đầu trở thành mối lo với Trung Quốc. Trung tuần tháng 5, Philippines đã tập trận với Nhật. Trước đó, hơn 11.000 lính Philippines, Mỹ và Australia cũng tập trận gần sát cụm đảo tranh chấp với Trung Quốc. Cuối tháng 4, Nhật ký hợp đồng đóng 10 tàu chiến cho Manila trị giá khoảng 200 triệu USD. Manila và Washington đang bàn việc sử dụng luân chuyển 8 căn cứ (hoặc hơn) của Philippines trong đó có hai căn cứ nằm gần khu vực đảo tranh chấp (căn cứ không quân Antonio Bautista và căn cứ hải quân Carlito Cunanan). Tờ “Stars and Stripes” (15-5) cho biết Mỹ và Philippines còn bàn việc tăng số lượng tàu chiến và chiến đấu cơ luân chuyển tại vịnh Subic. Người dân Philippines đã được chính phủ họ cho biết cụ thể việc tăng chi tiêu quốc phòng, lên 2 tỉ USD vào trước năm 2017. |