1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ, Trung, Canada vào "vòng xoáy" Huawei

Vụ kiện tụng Huawei cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu được các bên xử lý ổn thỏa.

Đại sứ Canada tại Washington hôm 21-1 (giờ địa phương) cho biết Mỹ tuyên bố nước này sẽ theo đuổi việc dẫn độ giám đốc tài chính (CFO) của hãng công nghệ đình đám TQ Huawei - bà Mạnh Vãn Châu.

Mỹ, Canada cùng chiến tuyến

Đại sứ David MacNaughton, trong thư trả lời The Globe and Mail hôm thứ Hai 21-1 khẳng định giới chức trách Mỹ liên tục cho thấy tín hiệu quyết theo đuổi vụ án chống lại bà Mạnh - ái nữ của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi.

Phía Mỹ cũng đã gửi thông báo đến chính phủ Canada, cho biết Washington sẽ gửi yêu cầu dẫn độ chính thức trước ngày 30-1. Bà Mạnh bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, dù bà liên tục lên tiếng bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ. Dự kiến phiên tòa xét xử bà mạnh sẽ diễn ra tại Vancouver vào ngày 6-2.

Quyết tâm dẫn độ bà mạnh từ Canada về Mỹ cho thấy các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh thời gian gần đây đã không có hiệu quả. “Trường hợp của bà Mạnh dường như không được thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung” - tờ Bloomberg bình luận trong một bài xã luận mới đây.

Đại sứ MacNaughton cho biết ông đã chuyển đến Tổng thống Trump tình trạng giận dữ của người dân Canada về việc chính quyền Bắc Kinh bắt giữ nhiều người Canada tại Trung Quốc (TQ). “Chúng tôi không hài lòng việc TQ bắt giữ các công dân của chúng tôi” - ông MacNaughton nói.

Vấn đề càng trở nên phức tạp khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn Reuters hôm 11-12-2018 khẳng định ông sẽ can thiệp vào vụ kiện ầm ĩ này nếu thấy điều đó cần thiết để có thể đi đến thỏa thuận thương mại với TQ. “Nếu tôi nghĩ nó giúp ích cho việc hiện thực hóa một thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử, điều vô cùng quan trọng hoặc tốt cho an ninh quốc gia, tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu cảm thấy cần thiết” - ông trump nói.

Mỹ, Trung, Canada vào vòng xoáy Huawei - 1

Trung Quốc không nhượng bộ

Bắc Kinh đã bắt giữ một số công dân Canada, được giới quan sát cho là trả đũa và gây sức ép để nước này trả tự do cho bà Mạnh. Quan hệ TQ-Canada trở nên căng thẳng và chưa có dấu hiệu vãn hồi khi hai bên liên tục cáo buộc đối phương “thực thi pháp luật tùy tiện”.

Theo Bloomberg, người Canada đang sống, làm việc tại TQ suốt thời gian bà Mạnh bị bắt đã gặp không ít khó khăn. Bên cạnh hai công dân Michael Kovrig và Michael Spavor bị TQ bắt vì cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia thì Robert Schellenberg, một công dân Canada khác, cũng bị TQ bắt giữ và tuyên án tử hình vì tội buôn bán ma túy.

Huawei đã trở thành mối quan ngại hàng đầu đối với các nỗ lực của Mỹ trong việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo an ninh đối với các hệ thống dữ liệu nhạy cảm. 

 

Trước thông tin Mỹ sẽ dẫn độ bà Mạnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh hôm qua (22-1) nói với báo chí tại Bắc Kinh rằng Canada đã phạm sai lầm ngay từ đầu khi quyết định bắt giữ bà Mạnh. Bà Hoa Xuân Oánh cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ phản ứng lại bất kỳ động thái tiếp theo nào của Washington. Tuy nhiên, vị này từ chối trả lời liệu vụ việc của bà Mạnh có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ, TQ hay không. “Những gì Mỹ đã làm hoàn toàn sai lầm và chúng tôi kêu gọi phía Mỹ sửa sai ngay lập tức” - bà Hoa Xuân Oánh nói.

Theo Bloomberg, hạn chót để Mỹ chuyển yêu cầu sang chính phủ Canada đề nghị dẫn độ bà Mạnh sẽ trùng với dịp Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc đến Washington. Dự kiến trưởng đoàn đàm phán và là cánh tay thương mại đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Hai bên sẽ tiến hành các cuộc thương thuyết xung quanh vấn đề chiến tranh thương mại, trước khi thời hạn cuối tháng 3 kết thúc có thể kích hoạt các gói thuế mới.

 

Ông Trump có thể can thiệp?

Liên quan đến việc dẫn độ bà Mạnh về Mỹ, nếu can thiệp vào vụ việc đúng như những gì ông nói với Reuters vào tháng trước, Tổng thống Donald Trump có thể làm suy yếu hệ thống luật pháp Mỹ và đặt người Mỹ ở nước ngoài vào thế rủi ro, chưa kể khiến Quốc hội Mỹ nổi giận, theo Bloomberg. Một số nghị sĩ và cựu quan chức chính phủ Mỹ đã có phản ứng mạnh. Một số quốc gia cũng bày tỏ quan điểm lo ngại. 
   Trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Trump có quyền can thiệp vào vụ bắt bà Mạnh. Cụ thể, ông Trump có thể chặn việc dẫn độ bà về Mỹ để xét xử. Tuy nhiên, nếu ông hành động như vậy thì các quốc gia khác có thể học theo bằng cách bắt công dân Mỹ để tạo đòn bẩy trong các cuộc đàm phán kinh tế và chính trị. Ngoài ra, các đề nghị dẫn độ tội phạm mà Mỹ đưa ra với các nước khác trong tương lai có thể sẽ không còn được xem trọng như trước.

Ông Brian Michael, một cựu công tố viên liên bang Mỹ, đang làm cho Công ty luật King & Spalding LLP, cho rằng ông Trump có thể hành động như ông ấy muốn nhưng việc đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng chính trị không nhỏ. “Nếu ông Trump can thiệp thì khả năng cao nhất là ông ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Mỹ không xúc tiến việc dẫn độ bà Mạnh. Một khi việc dẫn độ đã diễn ra thì Nhà Trắng sẽ rất khó can thiệp vào công tác xét xử của Bộ Tư pháp” - ông Michael giải thích thêm.

 

Theo Thùy Anh - Phú Lợi

Pháp luật TP.HCM