Mỹ triển khai 2 tàu ngầm tên lửa tới châu Á-Thái Bình Dương
(Dân trí) - Hai trong số 4 tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Ohio của hải quân Mỹ đã được triển khai tới châu Á-Thái Bình Dương để do thám các vùng biển tranh chấp ở Hoa Đôn, Biển Đông và Biển Philippines, tạp chí quốc phòng Jane's Defence Review tại London đưa tin.
Neo đậu tại căn cứ hải quân Changi của Singapore từ 10-15/8, USS Michigan là một trong 2 tàu ngầm lớp Ohio hiện đang hoạt động trong vùng biển châu Á. Nó đã có mặt tại châu Á được 3 tháng trước khi ghé thăm Singapore theo lịch trình.
Được trang bị 154 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và đoàn thủy thủ đặc biệt, USS Michigan là một sứ giả hòa bình "đáng gờm" trong khu vực, tạp chí Jane's cho biết.
Thuyền trưởng Benjamin Pearson, sĩ quan chỉ huy tàu USS Michigan, cho hay tàu ngầm này đã được triển khai tại tây Thái Bình Dương kể từ tháng 12/2013 nhằm tiến hành các sứ mệnh huấn luyện, trinh sát và các hoạt động khác không được tiết lộ.
"Chúng tôi hoạt động ở Hoa Đông, Biển Đông và Biển Philippines. Khu vực này giống như sân sau rộng lớn của chúng tôi", ông Pearson nói.
Chỉ trong vòng 6 phút, tàu ngầm Ohio có khả năng phóng toàn bộ 154 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk.
Thiếu tá hải quân Aaron Kakiel, phát ngôn viên Nhóm tàu ngầm chỉ huy số 7 của hải quân Mỹ, cho hay USS Michigan mang tới các khả năng độc nhất vô nhị cho các chiến dịch trên biển của Mỹ trong khu vực.
USS Michigan giúp hải quân Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương có khả năng tấn công quy mô rộng mà lực lượng này cần để nhắm vào các mục tiêu quan trọng và được bảo vệ nghiêm ngặt trong phạm vi trên 1.000 hải lý.
USS North Carolina đã neo đậu tại căn cứ hải quân Changi ở Singapore để gom hàng tiếp tế 4 tháng trước chuyến thăm của tàu ngầm USS Michigan.
Ngoài Singapore, các đồng minh chính của Mỹ tại khu vực châu Á-Thài Bình Dương, trong đó có Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines đều đón tiếp các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ghé thăm.
Việc triển khai 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược được cho là nằm trong chính sách "xoay trục" sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Washington.
Theo chiến lược "xoay trục", Mỹ có kế hoạch điều tới 60% tài sản hải quân tới châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020 như một cách thức đối phó với sự mở rộng hải quân của Trung Quốc trong khu vực.
Ngoài việc triển khai 2 tàu ngầm, chính phủ Mỹ cũng đang cấp ngân sách để tăng cường các địa điểm quân sự tại đảo Guam ở Thái Bình Dương.