1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tìm cách loại Nga khỏi các tổ chức quốc tế

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ đang gây sức ép để loại Nga khỏi các tổ chức quốc tế, trong đó có Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Mỹ tìm cách loại Nga khỏi các tổ chức quốc tế - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại hội nghị ngoại trưởng G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 7 (Ảnh: Reuters).

Theo nội dung các tài liệu về dự thảo ngân sách quốc phòng do Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Hạ viện Mỹ đưa ra, Washington có kế hoạch "gây trở ngại" cho Nga tại một số tổ chức quốc tế, bao gồm cả G20.

Ủy ban trên chỉ ra rằng "chính sách của Mỹ là loại trừ các quan chức Nga khỏi  G20, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Ủy ban Basel về giám sát Ngân hàng, Ủy ban Ổn định Tài chính, Hiệp hội Giám sát Bảo hiểm Quốc tế và Tổ chức Chứng khoán Quốc tế...".

Mỹ cũng nhấn mạnh sẽ làm mọi cách để thúc đẩy chính sách này và đi đến thành công.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thành lập một ủy ban bao gồm các thành viên của cả hai viện để điều chỉnh các điều khoản của Dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA). 

Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được thống nhất về chi tiêu quốc phòng cho tài khóa 2023, với dự luật 858 tỷ USD được công bố ngày 6/12, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng.

Theo dự thảo NDAA cho tài khóa 2023, Mỹ sẽ cung cấp thêm viện trợ an ninh cho Ukraine với ngân sách ít nhất 800 triệu USD vào năm sau và tăng cường quan hệ với Đài Loan thông qua hàng tỷ USD viện trợ trong vài năm tới. Ngoài ra, dự luật cũng củng cố "Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương", với 11,5 tỷ USD đầu tư mới.

Được thông qua hàng năm kể từ năm 1961, NDAA đề cập đến mọi vấn đề liên quan đến chính sách của Lầu Năm Góc, từ tăng lương cho binh sĩ hay cách đối phó với Trung Quốc và Nga. Vì đây là đạo luật bắt buộc phải thông qua, các nghị sĩ sử dụng NDAA như một công cụ để đưa ra rất nhiều sáng kiến, và lần này là có cả việc loại bỏ Nga ra khỏi nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có G20.

Sau khi được hai viện Quốc hội thông qua, phiên bản dự thảo cuối cùng sẽ được đệ trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký.

Hồi tháng 3, Mỹ cũng đã từng gây sức ép để loại Nga khỏi G20 nhưng không thành công. Tại thời điểm đó, Tổng thống Biden đã có tuyên bố nói rằng, Nga nên bị loại khỏi G20. Một số đồng minh của Mỹ ủng hộ ý tưởng này, trong đó có Ba Lan, nhưng Trung Quốc phản đối.

Theo Tass